Khủng hoảng nợ Hy Lạp và lời “tiên tri” 20 năm trước
Cách đây gần 20 năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp từng cảnh báo Thủ tướng nước này rằng Hy Lạp cần thực thi các biện pháp cải cách kinh tế khó khăn nếu muốn hòa nhập với nền kinh tế châu Âu. Cuộc khủng hoảng nợ có lẽ đã không có cơ hội xuất hiện ở Athens nếu cảnh báo này được xem trọng.
“Chúng ta có thể thực sự dẫn dắt đất nước đi theo con đường của châu Âu, với điều kiện những người Hy Lạp đang sống sung túc phải chịu những hy sinh cần thiết”, lá thư của vị Bộ trưởng gửi Thủ tướng có đoạn viết.
Đó là lá thư viết vào tháng 9/1996. Khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp là Alekos Papadopoulos, còn Thủ tướng nước này là Konstantinos Simitis. Những gì ông Papadopoulos cảnh báo trong lá thư đúng với tình cảnh mà Hy Lạp đang phải đương đầu ngày nay.
Trong 1/4 thế kỷ qua, Hy Lạp đã có một vài chính trị gia theo trường phải cải cách tiên đoán được những rắc rối đe dọa đẩy nước này vào một vụ phá sản cấp quốc gia. Nhưng, các đề xuất cải cách của họ đã bị các nghị sỹ Quốc hội Hy Lạp phản bác, cũng như bị giới truyền thông và các tổ chức công đoàn “dìm hàng” không thương tiếc.
Ngay cả các chủ nợ quốc tế của Hy Lạp là khối Eurozone và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ lâu đã khuyến cáo Hy Lạp phải thúc đẩy các cải cách cơ cấu, gạt sang bên những lợi ích thiết thân (vested interests). Chủ nợ đòi hỏi Hy Lạp phải thay đổi mạnh mẽ các nguyên tắc và thói quen của Chính phủ Hy Lạp, cả bên trong bộ máy nhà nước và tương tác giữa nhà nước với công dân và khu vực kinh tế tư nhân, chẳng hạn qua thuế, cấp phép nghề nghiệp hay lương hưu.
Kể từ khi khủng hoảng nợ nổ ra ở Hy Lạp vào năm 2010, các chính phủ nối tiếp nhau ở nước này đã ưu tiên chính sách tài khóa khắc khổ thông qua nỗ lực tăng thu ngân sách và cắt giảm chi tiêu, thay vì thực thi những cải cách sâu trong hệ thống.
Nhiều quan chức nước ngoài liên quan đến các chương trình giải cứu Hy Lạp trong 5 năm qua nói họ nhận thấy một điều mà các chính trị gia có tư tưởng cải cách của Hy Lạp luôn hiểu rõ: Ở nước này, làm ảnh hưởng đến những lợi ích thiết thân còn khó hơn cả việc đánh thuế người dân “đến chết”.
Ông Papadopoulos đã nhận thức được điều đó từ sớm. Ông đã nắm giữ ba vị trí cấp cao trong nội các Hy Lạp từ năm 1993 đến năm 2002 và thông qua những cải cách chủ chốt với tư cách là Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và Bộ Y tế.
Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Papadopoulos đã mời một nhóm từ cơ quan Thuế vụ Mỹ tới tư vấn Hy Lạp về cách thức chống tội phạm thuế. Ông là người đưa ra Taxis, hệ thống thuế điện tử mà Hy Lạp đến nay vẫn đang sử dụng. Nhiệm kỳ của ông đánh dấu một trong những bước quan trọng đầu tiên Hy Lạp tiến tới một hệ thống thuế hiện đại.
Nhưng đó cũng là những bước tiến cuối cùng. Hiện nay, các chủ nợ quốc tế của Hy Lạp chỉ ra rằng, trốn thuế và gian lận thuế là những những vấn đề kinh niên kìm hãm nền kinh tế Hy Lạp phục hồi và tăng trưởng.
Đến năm 2002, Papadopoulos - một thành viên của đảng trung tả Pasok - nhận thấy Hy Lạp đang chệch khỏi con đường mà ông vạch ra trên cương vị Bộ trưởng Bộ tài chính. Papadopoulos, người trước đó nỗ lực đưa Hy Lạp vào khối sử dụng đồng tiền chung Eurozone, nhận thấy rằng nước này đang tiêu xài mạnh tay bằng dòng vốn tín dụng giá rẻ đến cùng với đồng Euro.
Ngay khi “cơn sốt” chi tiêu bằng đồng Euro bắt đầu lan rộng trong xã hội Hy Lạp, ông Papadopoulos nói với Thủ tướng Simitis rằng tình hình tài chính của đất nước đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Tuy nhiên, những cảnh báo này của Papadopoulos không được xem trọng và ông rời khỏi nội các Hy Lạp.
“Cuộc chiến giữa tôi với Simitis xảy đến vì vào năm 2002, thay vì thúc đẩy cải cách sau khi gia nhập đồng Euro, họ dừng cải cách hoàn toàn. Cách thức mà mọi thứ đang được quản lý hiện nay trong nền kinh tế Hy Lạp đang dẫn thẳng đất nước tới chỗ phá sản”, Papadopoulos nói, lấy tay ôm đầu trong một quán cà phê yên ắng ở trung tâm thủ đô Athens.
Mái tóc bạc trắng của Papadopoulos là một bằng chứng về những trận chiến căng thẳng mà ông đã trải qua. “Tôi bị tấn công quyết liệt, thậm chí bởi những người cùng đảng Pasok. Các cử tri của đảng này giận dữ vì những cải cách mà tôi thông qua. Tất cả đã gây ra cho cá nhân tôi tổn thất nặng nề”, Papadopoulos nói.
Tương tự như Papadopoulos, Tassos Giannitsis cũng là một người có tư tưởng cải cách nhưng không được chấp nhận ở Hy Lạp. Thậm chí, cuộc chiến chống lại ông còn khốc liệt hơn. Vào năm 2001, cũng dưới thời đảng Pasok cầm quyền và ông Simitis là Thủ tướng, Giannitsis đã đưa ra một đề xuất toàn diện về cải cách hệ thống lương hưu.
Ngay lập tức, các tổ chức công đoàn, đảng đối lập và cả đảng Pasok hướng mũi nhọn chỉ trích vào Giannitsis. Đề xuất của ông về giảm lương hưu và đưa hệ thống lương hưu của đất nước trở nên bền vững hơn, phù hợp với các xu hướng trong lực lượng lao động đã không bao giờ chạm được tới cửa Quốc hội.
“Khi tôi nói với các đồng nghiệp trong nội các về đề xuất cải cách của mình, họ nói rằng tôi đang phá hoại đảng”, Giannitsis nhớ lại. “Họ tỏ thái độ rằng mọi chuyện đều đang ổn, tại sao lại phải gây phiền toái”.
Trước Papadopoulos và Giannitsis, Stenfanos Manos, một chính trị gia theo khuynh hướng thị trường ở Hy Lạp, đã thúc đẩy các cải cách về tư nhân hóa, quản lý thuế, mở cửa các thị trường đóng như viễn thông di động, và cải cách đăng ký đất đai.
Tuy vậy, từ trước đến nay, hầu như chưa có một chính trị gia cấp cao nào ở Hy Lạp bị ghét như Manos. Năm 1998, Manos bị khai trừ khỏi đảng bảo thủ Dân chủ mới.
“Ông ấy là một nhân vật quan trọng lên tiếng sớm về bộ máy nhà nước cồng kềnh và hệ thống lương hưu không bền vững. Ông ấy đã vấp phải sự phản đối từ chính nội bộ đảng và công chúng”, giáo sư kinh tế người Hy Lạp Loukas Tsoukalis cho biết.
Papadopoulos, Giannitsis, và Manos là ba trong số ít các chính trị gia Hy Lạp sớm nhận thấy những vấn đề cốt lõi của Hy Lạp và tìm cách thay đổi. Nhưng họ đã thất bại. Chính những vấn đề mà họ muốn thay đổi là nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng mà Hy Lạp phải đương đầu ngày nay.
“Họ gọi tôi là “Cassandra””, ông Giannitsis nói.
Trong thần thoại Hy Lạp, Cassandra là một người có khả năng tiên tri, nhưng không bao giờ được tin tưởng, và cuối cùng đã hóa điên.
Nguồn Vneconomy