Thứ Năm | 17/07/2014 10:04

Khủng hoảng nợ công có thể sớm quay trở lại châu Âu

Nếu các chính phủ tại Eurozone không tận dụng các biện pháp do ECB vừa đưa ra thì cuộc khủng hoảng nợ công có thể nhanh chóng xuất hiện trở lại.
Cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể xuất hiện trở lại một cách nhanh chóng nếu các chính phủ không tận dụng các biện pháp đã được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra để tái cấu trúc nền kinh tế và chỉnh đốn ngân sách.

Đó là nhận định được Jens Weidmann - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức, đồng thời cũng là thành viên trong Hội đồng Thống đốc ECB đưa ra trong một bài phát biểu trả lời nhật báo Die Welt của Đức vừa được công bố ngày 16/7.

Jens Weidmann
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức Jens Weidmann cảnh báo, nếu không tận dụng thời gian và chính sách nới lỏng do ECB tạo ra, chính phủ các quốc gia Eurozone có thể khiến cho khủng hoảng nợ nhanh chóng quay trở lại.
Ông Jens Weidmann nói thêm: "Chính sách tiền tệ đã cho phép các chính phủ có thêm thời gian để thực hiện tái cấu trúc và củng cố ngân sách" và "Nếu thời hạn này không được sử dụng, khủng hoảng nợ có thể lại nhanh chóng nổi lên".

Ảnh hưởng kéo dài gần 5 năm của "cơn bão nợ công" đã khiến cho nền kinh tế Eurozone tăng trưởng chậm chạp và mới chỉ bắt đầu hồi phục một cách khiêm tốn.

Đầu tuần này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa hạ dự báo tăng trưởng khu vực Eurozone trong năm nay từ 1,1% xuống 1%.

Bên cạnh tăng trưởng yếu, Eurozone còn đang đối mặt với rủi ro rơi vào tình trạng giảm phát. Tỷ lệ lạm phát tại Eurozone hiện đang ở 0,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu "thấp hơn nhưng gần 2%" trong trung hạn của ECB.

Phát biểu trước Ủy ban Kinh tế và Tiền tệ thuộc Nghị viện châu Âu, Chủ tịch ECB Mario Draghi đã chỉ ra đồng euro mạnh cũng là rủi ro lớn đối với khu vực. Theo ông Draghi, đồng euro bắt đầu tăng cao kể từ giữa năm 2012, gây ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định giá cả và gây trở ngại lớn đối với quá trình phục hồi bền vững của nền kinh tế Eurozone.

Báo cáo mới công bố ngày 14/7 của IMF cũng nhận định: "Tổng cầu yếu gây cản trở hoạt động sản xuất thực và kéo lạm phát đi xuống" trong bối cảnh "tín dụng giảm và chi phí vay cao". Trong thời gian tới, sự phục hồi của các nền kinh tế Eurozone còn chịu nguy cơ gặp phải "những cú sốc tiêu cực đến từ bên trong hoặc bên ngoài khu vực, có thể làm suy yếu niềm tin của thị trường, kết thúc sự phục hồi và đẩu nền kinh tế theo hướng lạm phát thấp hơn hoặc giảm phát", IMF nhận định.

Nguồn Theo DVO/IMF, Reuters


Sự kiện