Thứ Sáu | 11/07/2014 17:47

Khủng hoảng ngân hàng Bồ Đào Nha gây chấn động châu Âu

Căng thẳng tại ngân hàng lớn thứ 2 Bồ Đào Nha đã khiến thị trường tài chính khu vực và thế giới lao đao trong phiên giao dịch ngày 11/7.
Cụ thể, ngày 8/7, Espirito Santo International - cổ đông lớn nhất của Tập đoàn tài chính Espirito Santo - cho biết, công ty này đã chậm thanh toán nợ đối với một số khách hàng. Tập đoàn tài chính Espirito Santo (ESFG) đã buộc phải ngừng giao dịch cổ phiếu và trái phiếu từ ngày 11/7 để đánh giá tác động của sự kiện này đến lĩnh vực tài chính của khu vực châu Âu.

Cổ phiếu của ngân hàng lớn thứ hai Bồ Đào Nha Banco Espirito Santo (BES) - mảng hoạt động ngân hàng của Espirito Santo International- ngay lập tức giảm 17% trên thị trường chứng khoán Lisbon. Cổ phiếu của ESFG cũng giảm 8%. Cả hai cổ phiếu của BES và ESFG đều tạm ngừng giao dịch kể từ ngày hôm qua 10/7.

Sự kiện này đã dấy lên lo ngại về sức khỏe của các ngân hàng châu Âu cũng như nguy cơ bùng nổ khủng hoảng ngân hàng tại khu vực.

Sự kiện này đã khiến thị trường chứng khoán Bồ Đào Nha giảm 4% trong 7 ngày liên tiếp do giới đầu tư lo ngại các công ty có liên quan cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn.

Tình hình căng thẳng trong hệ thống ngân hàng của Bồ Đào Nha thậm chí còn tác động đến toàn bộ thị trường chứng khoán châu Âu, tạo nên làn sóng bán tháo trên toàn châu Âu. Chỉ số chứng khoán STOXX của các ngân hàng châu Âu xuống thấp nhất trong năm 2014. Ngoài ra, các thị trường chứng khoán Mỹ và châu Á cũng giảm điểm mạnh.

Trên thị trường nợ, trái phiếu của BES tiếp tục lao dốc và ảnh hưởng đến cả trái phiếu do chính phủ Bồ Đào Nha phát hành. Lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Bồ Đào Nha tăng 20 điểm cơ bản lên 3,95%. Đồng thời, trái phiếu của các nước khác, như Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha cũng bị ảnh hưởng.

Giới đầu tư dự đoán rằng ngân hàng BES có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đưa ra cảnh báo hệ thống tài chính của Bồ Đào Nha vẫn gặp nhiều khó khăn mặc dù đã tiếp nhận gói cứu trợ quốc tế. IMF nhấn mạnh rằng, hệ thống ngân hàng Bồ Đào Nha có thể đứng vững trước cuộc khủng hoảng này nếu được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hỗ trợ về vốn và chính sách.

Nguồn Theo DVO/ Telegraph


Sự kiện