Ảnh: The Guardian.

 
Mỹ Quyên Thứ Ba | 24/05/2022 11:27

Khủng hoảng lương thực toàn cầu, hệ trọng không kém so với sụp đổ tài chính

Thực phẩm đang dần nằm ngoài khả năng chi trả, ngay cả đối với nhiều người ở các quốc gia giàu có.

Vài năm trở lại đây, các nhà khoa học đã liên tục gióng lên hồi chuông cảnh báo mà các chính phủ đều từ chối lắng nghe: hệ thống lương thực toàn cầu đang bắt đầu “nối gót” hệ thống tài chính toàn cầu trong giai đoạn 2008.

Sự sụp đổ tài chính có thể tàn phá phúc lợi của con người, nhưng không ai mảy may bận tâm về việc hệ thống lương thực sẽ sụp đổ. Giá thực phẩm gia tăng “chóng mặt” như hiện nay chính là dấu hiệu mới nhất của sự bất ổn này.

Trong nhiều năm, dường như nạn đói đã không còn nữa. Số người suy dinh dưỡng giảm từ 811 triệu người, năm 2005, xuống còn 607 triệu người, năm 2014. Nhưng đến năm 2015, xu hướng này bắt đầu thay đổi. Nạn đói đã tăng lên đến 650 triệu người, vào năm 2019 và năm 2020, đạt 811 triệu người. Năm nay có thể sẽ còn tồi tệ hơn.

Tin xấu thực sự là: Khủng hoảng lương thực diễn ra trong bối cảnh nguồn cung lại đang rất dồi dào. Sản lượng lương thực toàn cầu đã tăng đều đặn trong hơn nửa thế kỷ, “đủng đỉnh” đối mặt với sự gia tăng dân số. Năm ngoái, vụ thu hoạch lúa mì toàn cầu lớn hơn bao giờ hết. Đáng kinh ngạc là số người thiếu dinh dưỡng bắt đầu tăng, ngay khi giá lương thực thế giới bắt đầu giảm. 

Chỉ số giá lương thực chỉ mới tăng trong hai năm trở lại đây. Việc tăng giá thực phẩm hiện là nguyên nhân chính gây ra lạm phát, vốn đã lên tới 9% ở Anh vào tháng trước. Thực phẩm đang dần nằm ngoài khả năng chi trả, ngay cả đối với nhiều người ở các quốc gia giàu có. Tác động ở các nước nghèo còn thê thảm hơn.

 Khi các nút thắt được liên kết mật thiết với nhau, chỉ cần một
Khi các nút thắt được liên kết mật thiết với nhau, chỉ cần một "mắt xích" bị đe dọa thì có thể kéo cả mạng lưới xuống. Ảnh: CNBC.

Có thể ví hệ thống lương thực toàn cầu như một mạng lưới được liên kết bởi các nút thắt. Trong hệ thống này, nút thắt bao gồm các nhà xuất nhập khẩu, cảng hàng hóa, các tập đoàn kinh doanh ngũ cốc, hạt giống và hóa chất. Các liên kết là các mối quan hệ thương mại và thể chế của họ. Mạng lưới này có khả năng phục hồi trong những điều kiện nhất định. Nhưng khi căng thẳng leo thang, một sự xáo trộn nhỏ cũng có thể đẩy toàn bộ hệ thống vượt qua ngưỡng giới hạn rồi sụp đổ.

Trong những năm gần đây, cũng như trong lĩnh vực tài chính những năm 2000, các nút thắt quan trọng trong hệ thống thực phẩm đã phát triển, các liên kết của chúng trở nên mạnh mẽ hơn. Khi các nút thắt được liên kết mật thiết với nhau, chỉ cần một "mắt xích" bị đe dọa thì có thể kéo cả mạng lưới xuống.

Theo một ước tính, chỉ có bốn tập đoàn kiểm soát 90% giao thương ngũ cốc toàn cầu. Các công ty tương tự thì mua giống, hóa chất hoặc vận hành, đóng gói, phân phối và bán lẻ. Trong vòng 18 năm, số lượng kết nối thương mại giữa các nhà xuất khẩu và nhập khẩu lúa mì và gạo đã tăng gấp đôi. Các quốc gia hiện đang phân cực thành các nhà siêu nhập khẩu và siêu xuất khẩu. Phần lớn dòng chảy của hoạt động thương mại này dễ bị "tổn thương", chẳng hạn như tại eo biển Thổ Nhĩ Kỳ (hiện bị cản trở bởi cuộc chiến Nga-Ukraine), kênh đào Suez và Panama, eo biển Hormuz, Bab-el-Mandeb và Malacca.

Bên cạnh đó, một trong những sự thay đổi văn hóa nhanh nhất trong lịch sử nhân loại - “Chế độ ăn uống tiêu chuẩn toàn cầu”, được nuôi trồng bởi Trang trại Tiêu chuẩn Toàn cầu, đã khiến thực phẩm ở địa phương đa dạng hơn, còn trên toàn cầu thì ngược lại. Những trang trại này do cùng một tập đoàn cung cấp hạt giống, hóa chất, máy móc,... nên cũng dễ bị gián đoạn hơn khi thị trường phải chịu một cú sốc nhất định.

Giờ đây, hệ thống lương thực toàn cầu không chỉ tồn tại những yếu kém bên trong mà còn cả những gián đoạn về môi trường và chính trị có thể tác động lẫn nhau bên ngoài. Như vào giữa tháng 4, chính phủ Ấn Độ đã gợi ý rằng họ có thể bù đắp sự thiếu hụt trong xuất khẩu lương thực toàn cầu do cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Chỉ một tháng sau, nước này cấm xuất khẩu lúa mì, sau khi mùa màng bị tàn phá bởi đợt nắng nóng tàn khốc.

Ngay cả trong thời kỳ dòng tiền mạnh hơn bao giờ hết mà vẫn có người phải chịu đói thì có thể thấy rằng mất mùa nghiêm trọng, biến đổi khí hậu có thể gây ra hậu quả không tưởng tượng được. Hệ thống phải thay đổi. Việc đa dạng hóa sản xuất lương thực toàn cầu là khẩn cấp, cả về mặt địa lý, cây trồng và kỹ thuật canh tác. Sự kìm kẹp của các tập đoàn lớn và các nhà đầu cơ tài chính cần được phá vỡ. Cần có các hệ thống dự phòng, sản xuất thực phẩm bằng các phương tiện hoàn toàn khác nhau.

Có thể bạn quan tâm: 

Tiền điện tử lao dốc, tỉ phú thành triệu phú

Nguồn The Guardian