Khủng hoảng lao động tại Mỹ còn kéo dài 9 năm nữa
Đó là cảnh báo mà các nhà nghiên cứu của Viện chính sách kinh tế Mỹ (EPI) đưa ra hôm 4/1 sau khi chính phủ công bố số liệu cho thấy, trong suốt năm qua, mỗi tháng nền kinh tế hàng đầu thế giới chỉ đều đặn tạo thêm khoảng 150.000 việc làm.
Trong suốt năm qua, mỗi tháng nền kinh tế hàng đầu thế giới chỉ đều đặn tạo thêm khoảng 150.000 việc làm. (ảnh: nowtheendbegins).
Chuyên gia Heidi Shierholz của Viện Chính sách kinh tế Mỹ cho biết, nước Mỹ phải tạo thêm khoảng 9 triệu việc làm cho những người bị mất việc kể từ cuộc suy thoái năm 2007 đến nay. Tuy nhiên, với tốc độ khoảng 150.000 việc làm mới mỗi tháng, nền kinh tế Mỹ sẽ không thể vừa thực hiện mục tiêu đó vừa bắt kịp tốc độ phát triển của thị trường lao động.
Ông Shierholz nhấn mạnh, vấn đề thật sự nằm ở những đối tượng thất nghiệp dài hạn (nhiều hơn 27 tuần), bởi thời gian thất nghiệp càng lâu thì những người này càng khó tìm được việc làm mới. Như vậy, đến năm 2021, nước Mỹ sẽ trải qua 14 năm liên tiếp với tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục. Trong khi đó, mức lương trung bình tính theo giờ ở Mỹ trong tháng trước chỉ tăng 7%, tức là cao hơn 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo chuyên gia kinh tế Heidi Shierholz, điều này có nghĩa là mức lương thực gần như không đổi so với lạm phát.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng của Nhóm triển vọng kinh tế (EOG), Bernard Baumohl, tăng trưởng của thị trường lao động tại Mỹ sẽ không giậm chân tại chỗ, bởi nền kinh tế nước này vẫn đang đi đúng hướng về mọi mặt, từ thị trường nhà ở đến sức khỏe của các ngân hàng hay tài chính tiêu dùng. Ông Baumohl dự đoán, kinh tế Mỹ sẽ chỉ thật sự phục hồi trong năm nay khi chính phủ giải quyết tốt bài toán chi tiêu công.
Nguồn VOV News