Thứ Tư | 18/07/2012 19:10

Khủng hoảng kinh tế, dân Italia đổ xô đánh bạc để đổi đời

Vào thời điểm đất nước chìm trong khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, người ta vẫn hy vọng tìm thấy cơ hội đổi đời ở đâu đó trong mỗi góc phố Italia.
Trong một khu phố trung tâm gần những bức tường cổ kính của thành phố Rome, chưa bao giờ người ta thấy việc đánh bạc lại dễ dàng đến thế. Người dân Italia giờ đây có thể dễ dàng đánh bạc ở khắp mọi nơi, từ một chiếc máy giật xèng hoặc máy cá cược Bingo trong một rạp chiếu phim cũ, từ máy cá độ video tại một quầy bar, từ đại sảnh trường đua ngựa, quầy bán thuốc lá hay thậm chí ngay trong bưu điện.

Italia giờ đây đang trở thành thị trường cờ bạc lớn nhất châu Âu và là một trong những thị trường cờ bạc lớn nhất thế giới. Điều đó đang âm thầm phá hoại chi tiêu tiêu dùng của nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro (eurozone) và làm gia tăng tình trạng người dân nghiện chơi cờ bạc trên đường phố.

Theo biện giải của Bộ trưởng Hợp tác quốc tế và hội nhập Italia, Andrea Riccardi, vào thời điểm nền kinh tế rơi vào trạng thái tuyệt vọng, người dân Italia đổ xô đi đánh bạc với hy vọng điều kỳ diệu sẽ xảy ra và họ sẽ được được đổi đời.

Ông Riccardi là người sáng lập tổ chức từ thiện Thiên chúa giáo Sant'Egidio ở Rome. Vào thời điểm hiện tại, số lượng các thành viên nghiện cờ bạc của tổ chức này đang tăng lên kẻ từ khi Italia bắt đầu nới lỏng các quy định đối với ngành công nghiệp cờ bạc các đây hai thập kỷ.

Các bộ trưởng chính phủ như ông Riccardi và một số nhà lập pháp cho rằng việc bãi bỏ quy định này đã đi quá xa và họ muốn siết chặt hơn nữa các quy tắc với ngành công nghiệp cờ bạc, tuy nhiên những đề xuất đưa ra lại không mang lại hiệu quả đáng kể.

Đối với Thủ tướng Mario Monti, người từng hứa hẹn sẽ cải tổ nền kinh tế suy tàn của Italia thông qua việc bãi bỏ các quy định, câu chuyện tự do hóa cờ bạc là một vấn đề khá khó giải quyết.

Theo thống kê, doanh thu thuế của chính phủ Italia trong năm ngoái là hơn 8,5 tỷ euro. Nhưng xét trong khoảng thời gian từ 2001 đến 2011, doanh thu thuế của Italia chỉ tăng chưa đầy 3 tỷ euro. Trong khi đó, chi tiêu tiêu dùng cho cờ bạc của người dân tăng tới 60 tỷ euro.

Người Italia phải đóng thuế 21% cho các mặt hàng tiêu dùng phi lương thực, song các doanh nghiệp cờ bạc lại được hưởng mức thuế vô cùng thấp. Mức thuế bình quân trên doanh thu cờ bạc đối với các doanh nghiệp là chưa đầy 11% trong năm 2011.

Trong khi nhiều nhà kinh tế dự báo kinh tế Italia sẽ giảm 2% trong năm nay, doanh thu cờ bạc dự kiến sẽ tăng hơn 12% lên hơn 90 tỷ euro - tương đương 5% tổng sản phẩm quốc nội hàng năm (GDP) của Italia.

Theo thống kê của chính phủ, hiện số người chơi cờ bạc ở Italia tăng cao hơn bao giờ hết. Khoảng 700.000 người Italia nghiện cờ bạc và có khoảng 400.000 máy chơi bạc video trên toàn đất nước, chiếm một nửa trong số các loại máy đánh bạc đang lưu hành ở Italia.

Nhà kinh tế tại Viện kinh tế và tài chính Einaudi Institute, Luigi Guiso, cho biết: "Cờ bạc không sản sinh của cải, nó chỉ có vai trò phân phối lại của cải trong xã hội."

Nhà xã hội học đồng thời là chuyên gia hàng đầu về ngành công nghiệp game của Italia, Maurizio Fiasco, cũng đồng tình với quan điểm trên và cho biết: "Khi kinh tế suy thoái, chi tiêu tiêu dùng cần phải tăng hơn nữa để giúp kinh tế vượt qua thời điểm khó khăn. Nhưng ở thời điểm hiện tại, ngành công nghiệp cờ bạc đang hút hết nhu cầu của nền kinh tế."

Trong khi đó, theo cơ quan thống kê quốc gia Italia (Istat), hiện ít nhất có khoảng 8 triệu người Italia đang phải sống trong cảnh bần cùng khi đất nước chìm ngập trong nợ công và liên tục bị các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh tụt bậc xếp hạng. Do đó, không khó hiểu khi người dân tìm tới cờ bạc như một sự cứu cánh để có cơ hội thay đổi tình trạng khó khăn hiện tại.

Cũng theo Istat, hiện có hơn 11% các hộ gia đình trong tổng số 60,6 triệu dân Italia phải sống ở mức nghèo đói.

Mới đây, Chính phủ Italia đã bị hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's hạ hai bậc tín nhiệm từ A3 xuống Baa2 với lý do triển vọng kinh tế đang xấu đi do tăng trưởng yếu và thất nghiệp gia tăng.

Moody's cũng đã hạ bậc xếp hạng của 13 ngân hàng Italy từ một đến hai điểm, khiến mức xếp hạng tín nhiệm tín dụng của các ngân hàng lớn như Unicredit và Intesa Sanpaolo giảm từ A3 xuống Baa2 do lo ngại chiều hướng nguy cơ vỡ nợ trái phiếu chính phủ ở Italy đang gia tăng.

Nguồn Reuters/DVT


Sự kiện