Khủng hoảng Hy Lạp: Bài học từ châu Á
Mặc dù Hy Lạp đã nhận được các hỗ trợ chưa từng có nhưng khả năng phục hồi kinh tế để trả hết nợ là rất khó khăn. Kể từ khi khởi đầu của cuộc khủng hoảng, Hy Lạp đã nhận được tài trợ lớn từ "Troika": Ủy ban Châu Âu, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Thỏa thuận vừa đạt được cho phép Hy Lạp nhận một chương trình trợ giúp thứ ba từ các định chế châu Âu và IMF trị giá đến 85 tỷ euro (có thể lên đến 86 tỷ euro) trong vòng 5 năm. Đổi lại Athens phải thực thi nhiều cải cách áp đặt từ IMF và các định chế chủ nợ để tránh sụp đổ.
Trong bối cảnh đó, các nước châu Á quan sát cuộc khủng hoảng Hy Lạp với nhiều bài học mới. Khi một số nước châu Á trải qua cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 1997 đã nhận được ít viện trợ hơn và với những điều kiện khắc nghiệt hơn nhưng lại phục hồi mạnh mẽ hơn.
Chẳng hạn, gói cứu trợ tài chính năm 1997 của Hàn Quốc lớn hơn so với các nước Indonesia, Thái Lan, Philippines – tổng cộng là 57 tỷ USD, với 21 tỷ USD từ IMF. Vào thời điểm đó, GDP hằng năm của Hàn Quốc là 560 tỷ USD; trong năm 2014, GDP của Hy Lạp chưa đầy 240 tỷ USD.
IMF đổ cho Hy Lạp một khoản tiền lớn như vậy dường như vì lý do chính trị. Hơn cả khía cạnh kinh tế, Hy Lạp trước hết quan trọng về vị trí chiến lược. Nằm trong lòng bán đảo Balkan, và kề bên khu vực Liên Xô cũ, sát với vùng Trung Đông với nguy cơ bùng phát chiến tranh và vùng Bắc Phi bất ổn định, Hy Lạp ở vào vị trí tiền tiêu của khối NATO khi hải quân nước này kiểm soát 15.000km đường bờ biển.
Thiếu vắng Hy Lạp, khả năng phòng thủ của châu Âu sẽ bị yếu đi, bởi đảo Crète của Hy Lạp chính là nơi trú đóng của Hạm đội 6 Hoa Kỳ. Tại Brussels, nhiều người lo ngại sự ra đi của Hy Lạp sẽ làm thay đổi thế cân bằng chiến lược trong khu vực, đẩy Hy Lạp về phía Nga.
Theo Giáo sư Lee Jong-Wha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Á tại Đại học Hàn Quốc, không giống như Hy Lạp, vấn đề của châu Á không phải là một cuộc khủng hoảng về khả năng thanh toán, mà là một cuộc khủng hoảng thanh khoản, gây ra bởi một sự đảo ngược bất ngờ của dòng vốn.
Ở Hàn Quốc, dòng vốn tư nhân chiếm 4,8% GDP vào năm 1996 và 3,4% GDP trong năm 1997. Sự tích tụ của các khoản nợ ngắn hạn đáng kể trong hệ thống tài chính và khu vực doanh nghiệp đã khuếch đại những cú sốc và yếu tố chính thúc đẩy khủng hoảng là thiếu thanh khoản quốc tế, các nhà đầu tư hoảng sợ. Tuy nhiên, IMF áp đặt điều kiện cho châu Á thậm chí còn khó khăn hơn Hy Lạp, bao gồm thắt chặt tài chính và tái cơ cấu tài chính. Một số yêu cầu rõ ràng là không cần thiết, bằng chứng là Malaysia phục hồi nhanh sau khủng hoảng mà không cần trợ giúp của IMF.
Khi sự tự tin bắt đầu hồi phục và điều kiện thị trường ổn định, các nền kinh tế Đông Á chuyển sang chính sách tiền tệ và tài khóa mở, nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu. Cải cách cơ cấu, bao gồm cả việc đóng cửa ngay lập tức của các tổ chức tài chính và loại bỏ các khoản vay không hiệu quả, cũng giúp tăng cường phục hồi nhanh hơn.
Ví dụ, ở Hàn Quốc, tăng trưởng GDP nhanh chóng trở lại mức 6,7% trong năm 1998 lên 9,5% vào năm 1999. Đến giữa năm 2003, khoảng 776 tổ chức tài chính của nước này đã bị đóng cửa. Cam kết mạnh mẽ của chính quyền về cải cách đã khôi phục niềm tin nhà đầu tư, làm sống lại dòng vốn đầu tư tư nhân và tái kích hoạt hoạt động thương mại quốc tế.
Ngược lại, Hy Lạp đã hoàn toàn thất bại trong khả năng phục hồi kinh tế. Thay vì giảm xuống còn 110% theo kế hoạch, tỷ lệ nợ công so với GDP đã tăng lên đến 170%. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 26% và dao động quanh mức 50%. Trong bối cảnh này, Hy Lạp không thể trả món nợ 1,5 tỷ euro cho IMF.
Hy Lạp là quốc gia nợ nần đầm đìa nhất của Liên minh Châu Âu, với tổng số tiền lên đến 312 tỷ euro (tương đương với 177% GDP), mà chủ nhân của ba phần tư số tiền này là các quốc gia và định chế tài chính châu Âu.
Kế hoạch của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đạt được với các chủ nợ hôm 13/7 với các áp đặt về tăng thuế tiêu thụ, cải tổ hệ thống hưu bổng, luật lao động, ngân hàng... trong một thời gian ngắn kỷ lục. Thủ tướng Alexis Tsipras nhìn nhận: "Đây không phải là một thỏa thuận tốt đối với Hy Lạp nhưng Athens không có sự chọn lựa nào khác".
Nhưng có lẽ Hy Lạp nên tìm đến châu Á để học được bài học lớn hơn, là nếu biết tự chịu trách nhiệm về số phận của chính mình, một đất nước có thể phục hồi mạnh mẽ từ những thử thách khó khăn nhất.
Nguồn DNSG