Thứ Tư | 20/02/2013 15:57

Khủng hoảng eurozone: Đã đến lúc nâng cốc chúc mừng?

Có nhiều dấu hiệu khiến các nhà kinh tế và chính trị lạc quan vào sự hồi phục của eurozone, song đằng sau đó lại là một thực tế khác.
Trong thời gian qua, hàng loạt những tín hiệu đáng mừng khiến nhiều quan chức khu vực đồng euro (eurozone) cùng các nhà phân tích kỳ vọng kinh tế khu vực đang có những bước phục hồi đáng kể.

Vào ngày 10/1, lợi suất trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha kỳ hạn 10 năm đã lần đầu tiên giảm xuống dưới 5% trong gần 1 năm. Mặc dù sau đó có nhích lên chút ít, song chi phí đi vay của chính phủ Tây Ban Nha giờ đứng ở mức 2,5%, một con số được cho là khá an toàn so với tháng 7/2012, thời điểm khủng hoảng eurozone lên mức đỉnh điểm và khối đồng tiền chung châu Âu đứng bên bờ vực tan vỡ.

Trong khi đó, Italia - "con bệnh mới" của châu Âu - cũng đang khởi sắc hơn khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của nước này đang tiến gần tới mức 4%.

Các biện pháp mà các quốc gia eurozone áp dụng thời gian qua cũng bộc lộ những cải thiện tích cực. Các ngân hàng lớn ở Italia và Tây Ban Nha đang cố gắng chào bán các trái phiếu dài hạn. Trong khi đó, các ngân hàng châu khác cũng bắt đầu giảm sự phụ thuộc vào chương trình tái cấp vốn của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).

Chủ tịch ECB Mario Draghi là một trong những nhân tố chính mang lại sự lạc quan cho eurozone.
Chủ tịch ECB Mario Draghi là một trong những nhân tố chính mang lại sự lạc quan cho eurozone.

Nhà phân tích tại Morgan Stanley, ông Huw van Steenis, dự đoán rằng các ngân hàng (chủ yếu thuộc các nền kinh tế chủ chốt của châu Âu) có thể hoàn trả từ 100 đến 200 tỷ euro trong số 1 nghìn tỷ euro mà họ đã vay từ ECB trong giai đoạn 2011-2012.

Chủ tịch ECB, ông Mario Draghi thì không tiếc lời khen ngợi sự hồi phục của eurozone, đồng thời khẳng định xu hướng tích cực đang lan khắp châu Âu. Vậy liệu đây có phải lúc mọi người có thể nâng chén chúc mừng sự trở lại của eurozone?

Nguyên nhân đầu tiên cho sự lạc quan của các nhà đầu tư vào tương lai eurozone chính là lời tuyên bố đảm bảo của ông Draghi, trong đó cho biết ECB sẵn sàng làm bất cứ điều gì để cứu eurozone. Điều này đã dẫn tới một đợt bùng nổ thu mua trái phiếu Italia và Tây Ban Nha của các quỹ đầu tư.

Tuyên bố của ông Draghi cũng kéo các quỹ hưu trí và các công ty bảo hiểm quay trở lại thị trường eurozone, điều này giúp giải thích vì sao trái phiếu Tây Ban Nha và Italia lại thành thứ "quả ngọt" hấp dẫn các nhà đầu tư, trái ngược hẳn với các loại tài sản khác.

Thứ 2, lời khẳng định "xu hướng tích cực đang lan khắp châu Âu" của ông Draghi cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc vực dậy tâm lý lạc quan của thị trường. Thông thường, giá trái phiếu chính phủ không những phản ánh sức khỏe nền tài chính, mà nó còn ảnh hưởng tới chính phủ đó.

Chẳng hạn, trong trường hợp của Tây Ban Nha và Italia, nợ bền vững khi lợi suất ở mức 3-4%, nhưng khi tăng lên 6-7% thì nợ đó được coi là không bền vững. Điều này sẽ khiến các nhà đầu tư ồ ạt bán ra. Ngược lại, các nhà đầu tư thận trọng, như các công ty bảo hiểm, có xu hướng bán các trái phiếu biến động cao hoặc giảm giá quá nhanh, do những biến động này có thể làm ảnh hướng tới các biện pháp phòng ngừa rủi ro nội bộ của họ.

Rõ ràng, sự tự tin vào thị trường trái phiếu có thể xem là bước ngoặt lớn đối với cuộc khủng hoảng eurozone. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo một số tín hiệu có khiến người ta lầm tưởng kinh tế eurozone đang hồi phục.

Dù có nhiều dấu hiệu phục hồi, song kinh tế eurozone vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
Dù có nhiều dấu hiệu phục hồi, song kinh tế eurozone vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

Lo ngại đầu tiên chính là mối liên hệ giữa các ngân hàng yếu kém và chính phủ yếu kém có thể mạnh lên trong những tháng tới. Những người mua bán trái phiếu nghi ngờ rằng nhu cầu mua trái phiếu Italia và Tây Ban Nha trong những tháng qua chủ yếu đến từ các ngân hàng trong nước của 2 quốc gia này.

Ngân hàng Barclay dự đoán rằng thậm chí một số ngân hàng yếu kém và đang trong giai đoạn tái cơ cấu của Tây Ban Nha cũng tham gia vào làn sóng thu mua trái phiếu chính phủ này. Mặc dù có dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu để mắt tới trái phiếu của 2 quốc gia eurozone này, song dường như họ chỉ mua các loại trái phiếu có thời gian đáo hạn ngắn do những trái phiếu này có khả năng được bảo hộ bởi chương trình thu mua trái phiếu của ECB.

Trong khi đó, bức tranh kinh tế nhìn chung vẫn khá ảm đạm tại các nền kinh tế chủ chốt của eurozone, đặc biệt là Đức, Pháp. Tỷ lệ thất nghiệp cao tại các nước ngoại vi cũng là một nỗi lo thường trực của eurozone.

Bên cạnh đó, dù có dấu hiệu khởi sắc, song nguy cơ Tây Ban Nha và Italia không đạt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách vẫn hiển hiện. Chẳng những thế, các doanh nghiệp nhỏ ở cả 2 nước đang kiệt quệ vì cơn hạn hán vốn do các ngân hàng thắt chặt hoạt động cho vay. Thậm chí nếu có thể vay, họ cũng không chắc chắn có khả năng hoàn trả nợ.

Song đáng lo ngại nhất chính là việc sự tụt giảm trong lợi suất trái phiếu có thể bào mòn sự quyết tâm của các chính trị gia châu Âu, khiến họ chùn bước trước những quyết định cải cách kinh tế khó khăn, các nhà phân tích nhận định.

Nguồn The Economist/Khampha


Sự kiện