Thứ Tư | 01/08/2012 19:29

Khủng hoảng điện đe dọa tham vọng kinh tế của Ấn Độ

Hai vụ sâp điện không chỉ cho thấy sự yếu kém trong quản lý cơ sở hạ tầng mà còn có thể khiến Ấn Độ bị đánh tụt xếp hạng tín dụng.
Hai vụ sập điện liên tiếp một lần nữa cho thấy tình trạng cơ sở vật chất nghèo nàn của nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á. Không những thế, nó còn tạo ra một mối đe dọa lớn với tham vọng vươn tới sức mạnh kinh tế toàn cầu cũng như xếp hạng tín dụng của Ấn Độ, các chuyên gia nhận định.

Ông Sanjay Mathur, trưởng phòng nghiên cứu chiến lược, cho rằng tình trạng thiếu điện gần đây không những phản ánh chất lượng cơ sở hạ tầng nghèo nàn mà còn là động lực để các cơ quan xếp hạng hạ xếp hạng tín dụng của Ấn Độ.

Đầu năm nay, Standard & Poor's đã hạ triển vọng tín dụng dài hạn của Ấn Độ xuống BBB-, nghĩa là từ "ổn định" xuống "tiêu cực", nguyên nhân chính là do thâm hụt tài chính lớn và khiên tốn trong cải cách.

Ông Thomas Byrne, phó chủ tịch cao cấp của Moody's, cũng chung quan điểm với ông Sanjay Mathur và cho rằng những vụ mất điện gần đây có thể cản trở đầu tư mới vào Ấn Độ. Nếu Ấn Độ không đối phó với tình trạng hiện tại một cách chính xác, nó sẽ có tác động tiêu cực tới xếp hạng tín dụng của Ấn Độ.

Cuộc khủng hoảng lần này cũng khiến các quan chức cấp cao trong ngành công nghiệp Ấn Độ lo ngại rằng tình trạng thiếu hiệu quả của ngành điện có thể làm ảnh hưởng tới các mục tiêu kinh tế dài hạn của Ấn Độ.

Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (FICCI) Ấn Độ, ông Rajiv Kumar, cho biết: "Điện giống như máu trong tĩnh mạch và nó vô cùng quan trọng với tăng trưởng kinh tế. Nếu bị thiếu máu, cơ thể không thể hoạt động. Tương tự, nếu không có năng lượng, các nền kinh tế không thể hoạt động".

Vụ sập 3 trong số 5 lưới điện của Ấn Độ hôm qua 31/7 khiến hơn một nửa trong số 1,2 tỷ dân Ấn Độ phải rơi vào cảnh mất điện - hệ thống giao thông công cộng gián đoạn, sản xuất tại phía Bắc và Đông bị đình trệ. Trước đó, một ngày, vụ sập điện đầu tiên cũng khiến hơn 300 triệu người Ấn Độ lâm vào cảnh thiếu điện.

Kết quả từ những vụ sập điện kiểu như vậy là, Ấn Độ buộc phải mua điện từ quốc gia láng giềng Bhutan để bù đắp lượng thiếu hụt điện 13,5% trong giờ cao điểm. Ấn Độ cũng liên tục bỏ lỡ các mục tiêu kinh tế hàng năm để bổ sung cho năng lực sản xuất điện.

Mặc dù Ấn Độ có lượng dự trữ than đá lớn thứ năm thế giới, song những tranh chấp về môi trường và giấy phép đã hạn chế hoạt động khai thác của các mỏ. Ngoài ra, việc thiếu đầu tư trong công nghệ khiến tốc độ phát triển sản xuất điện không theo kịp được với  nhu cầu.

Nhà kinh tế tại ngân hàng Mizuho Corporate, ông Vishnu Varathan, cho biết: "Sự xáo trộn trong cung cấp điện ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất - như các nhà máy, trang trại, văn phòng  - cũng như năng lượng vận chuyển quốc gia, đồng thời làm giảm vài phần trăm tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP)".

Ông Varathan cho biết, nếu những vụ sập điện kiểu như vậy tiếp tục tái diễn, Ấn Độ sẽ phải đối mặt với nguy cơ giảm từ 1 đến 1,5% GDP trong năm nay.

Vụ mất điện diện rộng vừa qua cũng là một đòn giáng mạnh mẽ vào kinh tế Ấn Độ, hiện đang phải vật lộn với tăng trưởng chậm, nội tệ yếu, lạm phát trên 7% và giá lương thực tăng cao.

Kinh tế Ấn Độ hiện đã chậm lại ở mức 6%, trong khi lạm phát trên hai con số. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy khu vực công và tư nhân không theo kịp tốc độ bùng nổ tiêu thụ của đất nước trong những năm qua, góp phần hạn chế khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng cao mà không làm tăng giá cả.

Nhà kinh tế tại JPMorgan, ông Sajjid Chinoy, nhận định: "Hạn chế lớn nhất với tiềm năng tăng trưởng của Ấn Độ là năng lực, còn hạn chế lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế là thiếu hụt nguồn cung điện ổn định và đầy đủ".

Tuần này, Ngân hàng trung ương Ấn Độ đã hạ dự báo tăng trưởng từ 7,3% xuống còn 6,5%. Từ giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng trung bình của Ấn Độ là 8,2%, khiến cho các nhà đầu tư trên thế giới kỳ vọng có thể sánh ngang với Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng điện vừa qua là một lời nhắc nhở về những khó khăn trên con đường duy trì tăng trưởng kinh tế tốc độ cao của Ấn Độ.

Nguồn CNBC/Khampha


Sự kiện