Khủng hoảng đe dọa các thị trường mới nổi
Kết quả đánh giá về nguồn vốn cho thấy hiện không có nước nào có nguy cơ rơi vào khủng hoảng tức thì. Tuy nhiên, ít nhất hai nước đang rơi vào xu hướng này và đe dọa nhà đầu tư đó là Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela.
Thị trường chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ tăng 7,3% kể từ đầu năm 2013 và tăng tổng cộng 42% trong 12 tháng trở lại đây. Thổ Nhĩ Kỳ được cho là phát triển nhanh hơn các thị trường mới nổi khác năm 2012 nhờ hiện đại hóa nền kinh tế và thúc đẩy các chương trình hỗ trợ tăng trưởng. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Venezuela tăng 37% từ đầu năm và tăng hơn 200% trong 1 năm trở lại đây.
Bất chấp sự tăng trưởng mạnh này, Rees khuyến cáo nhà đầu tư cần chú ý 5 yếu tố đó là thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng tăng, tăng trưởng tín dụng quá mức, nợ nước ngoài ngắn hạn tăng, bong bóng giá cổ phiếu và biến động tỷ giá hối đoái.
Theo nhận định của ông Rees, dòng vốn chảy vào có thể coi là con dao hai lưỡi đối với các nền kinh tế đang phát triển. Một mặt nó giúp thúc đẩy phát triển, mặt khác có thể gây hiện tượng tăng trưởng quá nóng và bong bóng giá tài sản. Trong trường hợp xấu, bốc hơi nguồn vốn có thể dẫn đến suy thoái kinh tế và giá tài sản giảm mạnh có thể ảnh hưởng đến việc trả nợ của quốc gia đó.
Việc nới lỏng chính sách của các nước phát triển trong thời gian dài có thể khiến dòng vốn vào các thị trường mới nổi tăng mạnh trong những năm tới do đó cần thận trọng khi nào một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra.
Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh đà tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi bắt đầu chững lại sau 1 thập kỷ. Nhìn chung, các thị trường chứng khoán mới nổi đều giảm trong năm nay với quỹ tín thác iShares MSCI Emerging Markets mất hơn 7%. Nhà đầu tư đã rút hơn 2 tỷ USD khỏi quỹ này.
Tuy nhiên, lạc quan về chứng khoán thị trường mới nổi, Wells Fargo cho rằng: “Nhìn chung, chúng tôi nhìn nhận giá trị dài hạn của thị trường mới nổi dựa vào các nền tảng kinh tế tốt. Giá cổ phiếu các thị trường mới nổi nói chung vẫn thuộc nhóm rẻ nhất thế giới”.
Nguồn CNBC/Dân Việt