Khủng hoảng dân số tại Mỹ và Trung Quốc
Sự thay đổi chính sách dân số đã được triển khai tại 29 trong tổng số 33 tỉnh và khu vực của Trung Quốc. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 5/2014, chỉ có 271.000 đơn xin sinh con thứ hai. Vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động cuối cùng sau 6 tháng chính sách mới có hiệu lực, nhưng các chuyên gia dân số Trung Quốc cho rằng: "Tất cả các số liệu cho đến nay cho thấy sự nới lỏng đã không dẫn đến một sự bùng nổ trẻ em như dự kiến".
Nguyên nhân cơ bản là do chi phí sinh hoạt tại đô thị đắt đỏ, các cặp vợ chồng Trung Quốc đang cố hạn chế sinh nhiều con, tương tự như tình hình tại các nền kinh tế phát triển như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các nước phương Tây.
Mục tiêu của chính sách nới lỏng dân số của Trung Quốc là nhằm tăng tỷ lệ sinh và giảm gánh nặng tài chính đối với tình trạng dân số đang ngày càng già đi của nước này. Theo Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc, ước tính đến năm 2050, Trung Quốc sẽ có hơn một phần tư dân số trên 65 tuổi. Nhưng tỷ lệ trẻ em vẫn chưa tăng như tính toán khiến các nhà thực hiện chính sách của Bắc Kinh sốt ruột.
Cai Yong, một nhà nhân khẩu học tại Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill, cho biết: "Tốc độ tăng như vậy là quá chậm! Những thập niên vàng về nhân khẩu học của Trung Quốc đã ở lại phía sau. Dân số Trung Quốc đang già đi rất nhanh". Trong năm 2010, 8,9% dân số của Trung Quốc đã ở độ tuổi 65 tuổi trở lên; đến năm 2020, tỷ lệ này dự báo sẽ là 25%.
Trong khi đó, chưa bao giờ lực lượng lao động Hoa Kỳ già như hiện nay. Tỷ lệ lao động độ tuổi từ 55 trở lên đạt 22,2% trong tháng Bảy, theo số liệu công bố tuần trước của Cục Thống kê Lao động. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1948. Hai thập niên trước, tỷ lệ người 55 tuổi trở lên trong lực lượng lao động chỉ là 30% nhưng hiện nay đã tăng lên 40%. Hay nói cách khác, ngày càng nhiều người già đang lao động trong nền kinh tế năng động của Mỹ.
Theo Sở Thống kê Dân số, tuổi hưu trung bình của người Mỹ là 62 và thời gian sống sau khi hưu là 18 năm. Còn theo Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), số người Mỹ ở tuổi từ 65 đến 69 vẫn còn làm việc là 20%, so với Anh 10%, Đan Mạch 9%, Na Uy và Thụy Sĩ 7% trong khi Đức, Hà Lan 3% còn Pháp, Ý chỉ có 1%. John Lonski, kinh tế trưởng của Moody Analytics (MCO), tỷ lệ người già tăng trong lực lượng lao động là một dấu hiệu xấu cho sự tăng trưởng thu nhập ở Mỹ.
Tình hình dân số của Trung Quốc và Mỹ khiến Liên Hiệp Quốc (LHQ) cảnh báo, tại hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, nguy cơ thiếu lao động do dân số già đi đang ngày càng nghiêm trọng. Việc thiếu hụt nguồn cung lao động có thể tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu. Theo báo cáo mới công bố của LHQ, với tốc độ già hóa dân số toàn cầu hiện nay, số người cao tuổi trên thế giới (tính từ 60 tuổi trở lên) đến năm 2050 sẽ lần đầu vượt số thiếu niên dưới 15 tuổi.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới giai đoạn 2007-2009 đã khiến hàng triệu người mất việc làm, đồng thời nhiều cặp vợ chồng do kinh tế khó khăn đã hoãn lại kế hoạch sinh con hoặc sinh thêm con. Riêng tại Mỹ, theo Cục Thống kê dân số thuộc Bộ Thương mại Mỹ, dân số nước này chỉ tăng 0,72% trong vòng một năm, giai đoạn 2012-2013. Đây là mức tăng dân số Mỹ thấp nhất trong vòng hơn bảy thập niên qua. Theo các số liệu của Chính phủ Nhật Bản, dân số nước này đã giảm năm thứ ba liên tiếp, trong khi số người cao tuổi lần đầu chiếm 1/4 tổng dân số.
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo kinh tế thế giới không có đủ lực lượng lao động bổ sung ở độ tuổi lao động 20-64 để thay thế "thế hệ vàng" đang đến tuổi về hưu. Ngoài gánh nặng về chi phí an sinh xã hội do số người hưởng lương hưu ngày càng tăng, thiếu lực lượng lao động bổ sung sẽ khiến các quốc gia phát triển khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 3%/năm trong suốt bốn thập niên qua. Theo các nhà kinh tế học, có tới 30% tăng trưởng kinh tế là do lực lượng lao động tăng thêm tham gia vào nền kinh tế mỗi năm quyết định.
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn