Ngành may mặc được xem là đầu tàu tăng trưởng cho nền kinh tế của Bangladesh. Ảnh: Nikkei Asia.

 
Lam Ngọc Thứ Năm | 25/01/2024 16:33

Khủng hoảng chuỗi cung ứng, ngành dệt may Bangladesh gặp khó

Chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng và Bangladesh đang là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất khi không thể thích ứng với thời gian giao hàng nhanh chóng.

Ngành công nghiệp may mặc của Bangladesh đang phải đối mặt với những thách thức khó khăn từ giá cước vận chuyển tăng cao, thời gian vận chuyển kéo dài hơn bình thường và tình trạng thiếu container, do ảnh hưởng lan rộng từ cuộc xung đột Biển Đỏ. Càng lao đao hơn khi ngành này vừa chịu những tác động từ cuộc biểu tình tiền lương và đóng cửa nhà máy.

Ngành dệt may lao đao

Hơn 65% hàng may mặc trị giá hàng tỉ USD của quốc gia Nam Á được xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ thông qua tuyến đường Biển Đỏ-Suez, là tuyến đường nhanh nhất và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, chỉ sau hai tháng kể từ khi lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn từ Yemen tấn công các tàu container ở Biển Đỏ, Mỹ và Anh đã có những động thái cứng rắn, buộc các chủ hàng lớn trên thế giới phải thay đổi tuyến đường thương mại trọng yếu này.

Chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng và Bangladesh đang là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất. Ngành may mặc được xem là đầu tàu tăng trưởng cho nền kinh tế của Bangladesh, đã mang lại khoảng 47 tỉ USD trong tổng kim ngạch 55 tỉ USD hàng năm của nước này. Ngoài ra, cảng lớn nhất của Bangladesh lại là cảng nước nông. Điều này có nghĩa là ngay cả khi không có sự gián đoạn địa chính trị, quốc gia Nam Á vẫn cần nhiều thời gian hơn để giao hàng cho các đơn đặt hàng.

Các hãng tàu biển đã tăng cước phí vận chuyển từ Bangladesh đến châu Âu và châu Mỹ thêm 40 đến 50%. Tuy nhiên, giới phân tích dự báo mức giá này có thể sẽ tiếp tục tăng thêm 20-25%. Việc này gây áp lực lớn lên các nhà sản xuất hàng may mặc của Bangladesh, bởi biên lợi nhuận của ngành dệt may hiện đang rất mỏng sau đợt tăng lương 56% hồi tháng 1. Một số doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa, khi rơi vào tình cảnh khó khăn.

Cảng nước nông Chattogram khiến Bangladesh cần nhiều thời gian hơn để giao hàng, ngay cả khi không có sự gián đoạn của địa chính trị. Ảnh: Nikkei Asia.
Cảng nước nông Chattogram khiến Bangladesh cần nhiều thời gian hơn để giao hàng, ngay cả khi không có sự gián đoạn của địa chính trị. Ảnh: Nikkei Asia.

Mặc dù là quốc gia xuất khẩu hàng may mặc sẵn lớn thứ 2 sau Trung Quốc, Bangladesh không thể đáp ứng tốc độ giao hàng nhanh chóng, do cảng Chattogram không đủ sâu để các tàu container lớn cập bến. Bất cập này dẫn đến việc các nhà xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh phải sử dụng tàu trung chuyển để vận chuyển sản phẩm của họ từ Chattogram đến các cảng lớn khác như Colombo, Singapore, Kelang hoặc Tanjung Pelepas. Quá trình này kéo dài thời gian giao hàng của Bangladesh thêm khoảng 15 ngày.

Ngoài ra, việc nhập khẩu sợi từ Trung Quốc và Ai Cập cũng đòi hỏi quá trình chuyển giao tương tự, nhưng theo hướng ngược lại. Đồng nghĩa là các xưởng may ở Bangladesh phải chờ thêm 10 ngày trước khi bước vào dây chuyền sản xuất.

“Những khách mua luôn yêu cầu mức giá rẻ nhất vì chúng tôi thường cần thêm 15-20 ngày so với các quốc gia sản xuất hàng may mặc lớn khác. Do đó, chúng tôi luôn chạy hết tốc lực để thực hiện các sản phẩm. Bất cứ sự gián đoạn nhỏ nào trong chuỗi cung ứng cũng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành dệt may cả nước. Cuộc xung đột Biển Đỏ thậm chí còn ảnh hưởng nhiều hơn so với cuộc chiến Nga-Ukraine”, ông Shovon Islam, CEO Tập đoàn Sparrow Group, cho biết.

Khó khăn chồng khó khăn

Tương tự Sparrow Group, nhiều nhà sản xuất hàng may mặc lớn hiện đang gặp khó khăn trong việc giữ đơn hàng, hoặc ít nhất là tránh bị lỗ. Các khách hàng châu Âu đã yêu cầu Tập đoàn RDM gửi hàng bằng đường hàng không để đáp ứng nhu cầu mua sắm cao hơn của người tiêu dùng phương Tây vào dịp đầu năm mới.

Ông Rakibul Alam Chowdhury, CEO Tập đoàn RDM kiêm Phó Chủ tịch của Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA), không giấu nỗi buồn khi chia sẻ rằng phí vận chuyển hàng không đã tăng lên gấp 10-12 lần so với phương thức vận chuyển thông thường. Điều này gây ra một tác động tiêu cực lớn đến ngành gia công, thậm chí có thể dẫn đến những thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng không có sự lựa chọn nào khác, vì việc không giao hàng đúng hẹn sẽ khiến cho người mua không tiếp tục đặt hàng của họ trong tương lai.

 

Trong khi đó, một số doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc đang gặp khó khăn lớn trong việc tìm kiếm container tại cảng Chattogram. Dữ liệu từ Hiệp hội Kho container nội địa Bangladesh (BICDA) cho thấy hơn 75% các nhà xuất khẩu hiện đang sử dụng container 40 feet để vận chuyển hàng hóa của mình. Tuy nhiên, tình trạng thiếu container trầm trọng hiện đang diễn ra với hầu hết các kho tại thành phố cảng lớn nhất đất nước.

Tổng Thư ký Ruhul Amin Sikder của BICDA cho biết việc lựa chọn tuyến đường vòng qua Mũi Hảo Vọng có thể làm kéo dài thời gian hành trình ít nhất thêm 25 ngày, tạo ra một cuộc khủng hoảng mới về container. Sự chậm trễ  buộc những doanh nghiệp gia công phải chuyển sang sử dụng container 20 feet, đồng thời tăng chi phí thêm 30%.

Khủng hoảng Biển Đỏ đã khiến khó khăn chồng thêm khó khăn. Theo dữ liệu từ BGMEA, xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ, thị trường lớn nhất của ngành dệt may Bangladesh, đã giảm 25% chỉ còn 6,79 tỉ USD trong 11 tháng đầu năm 2023, so với con số đạt 9,04 tỉ USD cùng kỳ năm trước.

Ông Siddiqur Rahman, cựu Chủ tịch của BGMEA, giải thích rằng Bangladesh đã kỳ vọng ngành dệt may sẽ mang lại doanh thu ít nhất 50 tỉ USD trong năm 2023. Tuy nhiên, phần lớn kim ngạch xuất khẩu đã diễn ra trong nửa đầu năm và khó khăn trong quý IV đã làm đình trệ quá trình đặt hàng.

“Chúng tôi đã trải qua một số cuộc khủng hoảng lớn trước đây, nhưng khủng hoảng hiện tại ở Biển Đỏ sẽ gây ra những vấn đề lớn hơn. Ngành dệt may hoạt động theo lịch trình sản xuất và giao hàng rất chặt chẽ, tuy nhiên chúng tôi cảm thấy không thể đáp ứng kịp thời gian giao hàng”, ông Faruque Hassan, Chủ tịch của BGMEA, cho biết.

Có thể bạn quan tâm:

Triển vọng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu

Nguồn Nikkei Asia