Ảnh: CNN.
Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc đang đi đến hồi kết?
Chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực hết sức để chấm dứt cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản rộng lớn của đất nước, vốn đã đè nặng lên nền kinh tế trong năm qua.
Cổ phiếu của công ty phát triển BĐS lớn nhất Trung Quốc, Country Garden, đã tăng vọt tới 52% tại Hồng Kông sau khi chính quyền Trung Quốc công bố giải pháp tổng thể 16 điểm nhằm giải cứu lĩnh vực BĐS.
Các biện pháp chính bao gồm cho phép các ngân hàng gia hạn các khoản vay đáo hạn cho các công ty BĐS, hỗ trợ bán BĐS bằng cách giảm khoản thanh toán trả trước và cắt giảm lãi suất thế chấp, thúc đẩy các kênh tài trợ khác như phát hành trái phiếu và đảm bảo bàn giao nhà cho người mua.
“Về bản chất, các nhà hoạch định chính sách yêu cầu các ngân hàng cố gắng hết sức để hỗ trợ lĩnh vực BĐS.”, ông Larry Hu, nhà kinh tế Trung Quốc của Macquarie Group, cho biết.
Bà Tao Wang, nhà kinh tế về Trung Quốc tại UBS, đã mô tả gói hỗ trợ này là một “bước ngoặt” đối với lĩnh vực BĐS của Trung Quốc. Cùng với các chính sách khác được công bố vào đầu năm nay, chính phủ có thể rót nhiều hơn 1 nghìn tỉ nhân dân tệ (142 tỉ USD) vào lĩnh vực BĐS nước này, bà ước tính.
Các công ty BĐS Trung Quốc được niêm yết tại Hồng Kông đã tăng trung bình 11% vào ngày 14/11, dẫn đầu thị trường. Longfor Properties, một công ty BĐS hàng đầu khác, tăng 17% trong khi cổ phiếu của Dexin China, một công ty có trụ sở tại Hàng Châu, đã tăng vọt 151%.
Gói giải cứu được nhiều nhà phân tích nhìn nhận là tín hiệu mạnh mẽ nhất từ giới chức Trung Quốc, rằng cuộc đàn áp kéo dài hai năm đối với lĩnh vực này hiện đã kết thúc. Vào tháng 8/2020, chính phủ bắt đầu cố gắng kiềm chế việc các công ty BĐS vay quá nhiều để giữ giá nhà không bị tăng cao.
Các vấn đề leo thang vào năm ngoái khi Evergrande - công ty BĐS lớn thứ hai của quốc gia - vỡ nợ. Khi lĩnh vực bất động sản sụp đổ, một số công ty lớn đã tìm kiếm sự bảo vệ từ các bên cho vay. Cuộc khủng hoảng tiền mặt đồng nghĩa với việc nhiều dự án nhà ở bán trước trên toàn quốc đã bị trì hoãn hoặc đình chỉ.
Cuộc khủng hoảng bước sang một giai đoạn mới vào mùa hè năm nay khi hàng loạt người mua nhà từ chối trả vay thế chấp cho những ngôi nhà chưa hoàn thành, làm chao đảo thị trường tài chính và làm dấy lên lo ngại về sự lây lan sang các lĩnh vực khác. Kể từ đó, giới chức đã cố gắng xoa dịu cuộc khủng hoảng bằng cách kêu gọi các ngân hàng tăng cường hỗ trợ vay vốn cho các công ty BĐS để tiến hành hoàn thành dự án. Các cơ quan quản lý cũng đã cắt giảm lãi suất trong nỗ lực khôi phục niềm tin của người mua.
Nhưng tình trạng sụt giảm doanh số BĐS vẫn tiếp diễn, khi người mua quay lưng với thị trường vì nền kinh tế suy yếu và các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt từ chính sách Zero-Covid. Vào tháng 10, doanh số bán hàng của 100 công ty BĐS lớn nhất đã giảm 26,5% so với một năm trước, theo một cuộc khảo sát riêng của China Index Academy, một công ty nghiên cứu bất động sản hàng đầu. Cho đến nay, doanh số đã giảm 43%.
Bên cạnh đó, chính sách Zero-Covid nghiêm ngặt cũng hạn chế chi tiêu sản xuất và tiêu dùng, hệ quả là lĩnh vực BĐS trì trệ đã kéo theo nền kinh tế của cả Trung Quốc. Trong quý III, GDP của Trung Quốc tăng 3,9% so với một năm trước đó, đưa mức tăng trưởng chung trong 9 tháng đầu năm chỉ ở mức 3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là 5,5% được đặt ra vào tháng 3.
Trong khi đón nhận tin tốt về gói cứu trợ, các nhà phân tích vẫn thận trọng trước niềm tin của người mua.
“Thị trường BĐS vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi,” các nhà phân tích của Nomura cho biết trong một báo cáo nghiên cứu hôm 14/11, đồng thời cho biết thêm các biện pháp mới nhất có thể tác động không nhiều đến việc kích thích mua nhà.
Bên cạnh đó họ cũng nhấn mạnh rằng mặc dù Trung Quốc đã có một số điều chỉnh mới, nhưng Zero-Covid sẽ tiếp tục đè nặng lên lĩnh vực BĐS.
Có thể bạn quan tâm:
Sông băng ở hàng chục di sản thế giới sẽ "biến mất" vào 2050
Nguồn CNN