Khu vực giàu nhất Tây Ban Nha cần cứu trợ của chính phủ
Catalonia, đại diện cho 1/5 nền kinh tế Tây Ban Nha, hiện thâm hụt ngân sách với hơn 13 tỷ euro nợ cần tái cấp vốn. Trong năm 2011, thâm hụt ngân sách của Catalonia giảm còn 1,3% GPD. Năm nay, khu vực này đang cố gắng đạt được mục tiêu tăng trưởng 1,5% - mục tiêu mà các nhà kinh tế cho là không thể bởi kinh tế Tây Ban Nha được dự báo tăng trưởng âm 1,5% trong năm 2012.
Tình hình tồi tệ hơn khi Standard & Poor's (S&P) quyết định hạ 4 bậc xếp hạng tín dụng của Catalonia vào ngày 4/6 xuống BBB-, thấp hơn so với xếp hạng BBB+ của Fitch.
Trong 2012, Chính phủ Tây Ban Nha đã cung cấp một loại tín dụng đặc biệt từ Viện tín dụng chính thức (ICO) để trả nợ, trong đó Catalonia chiếm 2 tỷ euro. Dòng cung cấp tín dụng này đã hết trong tháng 6 và Chính phủ cam kết sẽ tìm một cơ chế mới để hỗ trợ thanh toán nợ cho các khu vực.
Chủ tịch Mas cho biết Chính phủ nên phát hành cái gọi là Hispanobonos để giúp các khu vực thanh toán các khoản nợ theo mức lãi suất trung bình. Nguồn tin từ chính phủ cho Reuters biết Bộ trưởng Kinh tế Luis de Guindos và Bộ trưởng Bộ Tài chính Cristobal Montoro không đồng ý về hình thức cuối cùng của cơ chế nợ khu vực này.
Sự lựa chọn khác của Catalonia là nguồn tài chính ngắn hạn từ các ngân hàng, tuy nhiên Valencia - khu vực lân cận đã thanh toán 7% (mức độ được xem là không bền vững) cho một khoản vay 6 tháng. Chi phí lãi vay hàng năm của Catalonia đã tăng gấp đôi trong 2 năm qua, lên tới 2 tỷ euro trong năm nay.
Chính quyền Catalonia cũng cắt giảm tiền lương khu vực công, đặt ra thuế du lịch và thanh toán 1 euro cho mỗi đơn thuốc, áp dụng phụ phí xăng dầu và hạn chế đầu tư vào cơ sở hạ tầng để kiểm soát thâm hụt ngân sách.
Gánh nặng nợ của 17 khu vực bán tự trị cùng với các khoản nợ xấu của Ngân hàng Trung ương đang đẩy Tây Ban Nha vào "tâm chấn" cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro bởi các nhà đầu tư lo ngại rằng tình hình tài chính của nền kinh tế lớn thứ 4 khối tiền tệ này đang tồi tệ đến mức sẽ phải cần cứu trợ từ quốc tế.
Nguồn CNBC/DVT