Ảnh: asean-china-center.org
Khu thương mại tự do Trung Quốc chật vật cạnh tranh thu hút đầu tư với Việt Nam
Ngày 01/04/2012, Thủ tướng Trung Quốc khi ấy là ông Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã tham dự lễ khánh thành khu công nghiệp Khâm Châu (QIP) với tham vọng xây dựng nơi đây thành một thị trấn công nghệ cao mang tầm quốc tế và ít phát thải khí carbon.
Tuy nhiên, hơn 7 năm sau, khu công nghiệp này vẫn đang phải vật lộn để thu hút doanh nghiệp vào thuê. Rất ít các doanh nghiệp trong ngành y sinh, điện tử và năng lượng mới vào đây thuê. Do đó, khu công nghiệp này đã chuyển sang xây dựng "chuỗi cung ứng quốc tế về tổ yến". Quá trình này bao gồm nhập khẩu tổ yến từ Đông Nam Á và chế biến chúng thành nguyên liệu để nấu món súp tổ yến.
Như vậy, giấc mơ biến nơi đây thành khu công nghệ cao đã không thành hiện thực, thay vào đó, khu công nghiệp này trở thành một vùng đất xa xôi, vắng vẻ.
Rất ít doanh nghiệp hoạt động tại đây. Chỉ thấy một nhà hàng hiện hữu, nó có tên là Three Brothers Fast Food phục vụ các món xào, đồ nhắm và bán thuốc lá cho một nhóm công nhân xây dựng của khu công nghiệp.
Các khu công nghiệp được kỳ vọng là sẽ thúc đẩy xuất khẩu và phát triển các ngành công nghệ cao hoặc công nghiệp mũi nhọn như ô tô và điện tử. Tuy nhiên, thu hút đầu tư cho những lĩnh vực này ngày càng khó bởi các chính sách ưu đãi giữa các khu công nghiệp với nhau là không mấy khác biệt.
Giải pháp mới nhất của Bắc Kinh là nâng cấp các khu công nghiệp thành các khu vực thí điểm thương mại tự do. Kể từ khi bắt đầu kế hoạch thí điểm tại Thượng Hải vào năm 2013, Trung Quốc đã phê duyệt 6 dự án xây dựng khu thương mại tự do tại 18 tỉnh.
Khu công nghiệp Khâm Châu đã trở thành một nơi hẻo lánh với rất ít công ty đến thuê. ẢNh: SCMP |
Theo danh sách mới nhất được công bố vào tháng 8, Trung Quốc đã phê duyệt 6 khu thương mại tự do mới. Trong đó khu công nghiệp Khâm Châu (Trung Quốc-Malaysia) nằm trong khu thương mại tự do của Khâm Châu, cùng với Nam Ninh và Sùng Tả ở khu vực biên giới với Việt Nam, tạo thành khu thương mại tự do Quảng Tây (khu tự trị dân tộc Choang).
Mục tiêu đối với khu tự trị Quảng Tây là phải cạnh tranh trong thu hút đầu tư quốc tế với Việt Nam. Joe He, nhà cung cấp dịch vụ hậu cần tại thị trấn biên giới Bằng Tường ở thành phố Sùng Tả, cho biết chiến lược của Quảng Tây là trở thành cầu nối giữa trung tâm sản xuất truyền thống của Trung Quốc tại Quảng Đông và Đông Nam Á. Nhưng chiến lược này đang thất bại vì hiện nay các nhà đầu tư có rất ít động lực để chọn Trung Quốc thay vì Việt Nam.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Khâm Châu đã giảm 71% xuống chỉ còn 22,8 triệu USD. Cùng với đó là làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhằm giảm thiểu tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Nanning Fugui Precision Industry, một công ty con của Foxconn, đã chuyển lượng đơn hàng trị giá 3,1 tỷ Nhân dân tệ (436 triệu USD) sang Việt Nam trong bốn tháng đầu năm 2019, và một lượng đơn hàng khác trị giá 10 tỷ NDT cũng đang chuẩn bị tiếp bước.
Công ty Quang điện Jianxing (Bắc Hải) cũng đã chuyển bốn dây chuyền sản xuất làm ổ đĩa máy tính sang Philippines kể từ khi chiến tranh thương mại nổ ra. Trong khi đó, Ktec, công ty Đài Loan, đã thành lập một nhà máy ở Campuchia và dự kiến sẽ chuyển tất cả sản xuất các thiết bị cung cấp điện từ Quảng Tây đến đây.
Ông Gao Jian, chủ một đại lý Trung Quốc hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam, cho biết có rất ít nhà xuất khẩu chuyển sản xuất đến Quảng Tây khi họ có thể đến Việt Nam.
“Thuế, đất đai và môi trường tuyển dụng tại Việt Nam là hấp dẫn hơn, và đất nước được cho là sẽ cởi mở hơn [với đầu tư] trong những năm tới”, ông Gao nói.
Hiện tại, danh xưng 'khu thương mại tự do' cũng không tạo ra nhiều sự hào hứng. Xie Sange, người điều hành nhà hàng Three Brothers Fast Food trong khu công nghiệp Khâm Châu, cho biết ông lo lắng không biết liệu việc thay đổi danh xưng 'khu thương mại tự do' có thể giúp doanh nghiệp nhỏ của mình kinh doanh khá hơn hay không.
“Quảng Tây đã có nhiều khu thương mại tự do, khu thương mại xuyên biên giới, nhưng tất cả dường như không hiệu quả trong việc thu hút dòng đầu tư hoặc thúc đẩy tăng trưởng GDP của địa phương”, ông nói.
►Làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc sẽ tăng tốc?
►Nhiều công ty Mỹ đang dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc
►HP, Dell và Microsoft cũng muốn dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc
Nguồn SCMP