Ảnh: Reuters.
Không nhiều kỳ vọng cho đàm phán Mỹ - Trung trong tuần này
Trong tuần này, các nhà đàm phán thương mại của Mỹ và Trung Quốc sẽ chuyển đến Thượng Hải để đàm phán trực tiếp lần đầu tiên kể từ sau khi hai nhà lãnh đạo đạt thỏa thuận tại cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng trước.
Theo Reuters, cuộc đàm phán sẽ kéo dài trong 2 ngày. Kỳ vọng về những tiến triển trong cuộc đàm phán này là rất thấp. Vì vậy, các quan chức và doanh nghiệp đang hy vọng rằng ít nhất thì Washington và Bắc Kinh có thể chi tiết hóa các cam kết theo sau các cử chỉ "thiện chí" và dọn đường cho các cuộc đàm phán trong tương lai.
Các hành động thiện chí bao gồm việc Trung Quốc mua hàng hóa nông sản của Mỹ và Mỹ cho phép các công ty tiếp tục nước này tiếp tục bán hàng cho Huawei.
Ngày 26/07, Tổng thống Donald Trump nói rằng ông nghĩ rằng Trung Quốc có thể không muốn ký một thỏa thuận thương mại cho đến sau cuộc bầu cử năm 2020, với hy vọng họ có thể đàm phán các điều khoản có lợi hơn với một tổng thống Mỹ khác.
Reuters trích nguồn tin giấu tên cho biết rằng, tuần trước, một phái đoàn của các giám đốc điều hành công ty Mỹ đã đến Bắc Kinh để nhấn mạnh với các quan chức Trung Quốc về tính cấp bách của một thỏa thuận thương mại. Họ cảnh báo các nhà đàm phán Trung Quốc trong các cuộc họp rằng nếu không đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, các vấn đề chính trị ở Trung Quốc và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp xảy ra sẽ khiến việc đạt được thỏa thuận trở nên vô cùng khó khăn.
“Hãy tiến tới một thỏa thuận. Dù điều này rất khó khăn, nhưng nếu đợi đến sau ngày 31 tháng 12, điều này sẽ không xảy ra”, một giám đốc điều hành của Mỹ nói với Reuters, nhắc đến chiến dịch bầu cử năm 2020 của Mỹ. Những người khác cho biết khung thời hạn cho các thỏa thuận sẽ còn ngắn hơn.
Trung Quốc vẫn đang yêu cầu Mỹ gở bỏ hết tất cả thuế quan. Đây là điều kiện để cả hai bên tiến tới một thỏa thuận. Bắc Kinh phản đối việc bãi bỏ thuế theo từng giai đoạn, trong khi các quan chức thương mại Mỹ coi việc xóa bỏ thuế quan là đòn bẩy để thực thi bất kỳ thỏa thuận nào.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tại cuộc gặp ở thủ đô Washington - Mỹ hồi tháng 5. Ảnh: REUTERS |
Trung Quốc cũng bảo vệ quan điểm rằng việc mua hàng hóa của Mỹ phải ở mức hợp lý phù hợp với nhu cầu của nước này.
Trong khi đó, các nhà đàm phán Mỹ yêu cầu Trung Quốc thay đổi luật pháp của mình như là sự đảm bảo để bảo vệ bí quyết của các công ty Mỹ, nhưng Bắc Kinh đã kịch liệt bác bỏ.
Một nguồn tin trong ngành công nghiệp tại Mỹ cho biết họ không kì vọng nhiều về bất kỳ sự đột phá nào trong các cuộc đàm phán ở Thượng Hải và mục tiêu chính của cuộc gặp lần này là hai bên đưa ra những động thái thiện chí rõ ràng, sau hội nghị thượng đỉnh Osaka.
Hai bên sẽ khó có thể đồng thuận về một văn bản thỏa thuận. Khi mà Washington muốn tuân thủ dự thảo hồi trước tháng 5 và Trung Quốc muốn bắt đầu lại với phiên bản chỉnh sửa mà họ đã gửi lại cho các quan chức Mỹ, điều đã khiến đàm phán sụp đổ vào tháng 5.
Zhang Huanbo, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc (CCIEE), cho biết ông không thể xác minh những tuyên bố của các quan chức Mỹ rằng hai bên đã đồng thuận tới tới 90% một thỏa thuận trước khi sự cố xảy ra vào tháng 5/2019. “Chỉ có 0 và 100% - thỏa thuận hoặc không có thỏa thuận”, ông Zhang nói.
►Đàm phán thương mại: Mỹ ngại Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc
►Đàm phán thương mại: Mỹ dịu giọng, Trung Quốc tỏ ra cứng rắn
►Trung Quốc hay Mỹ mới là bên lật kèo trong đàm phán thương mại?