Dẫn đầu xu hướng này là giới giàu ở Singapore và Australia với 60% người được hỏi cho biết đang có kế hoạch tăng phân bổ đầu tư vào thị trường tài sản tư nhân.
Không còn "chuộng" cổ phiếu và trái phiếu, giới giàu châu Á đang đổ tiền vào đâu?
Nghiên cứu năm 2022 của Ngân hàng tư nhân Lombard Odier về các cá nhân có giá trị ròng cao ở Châu Á Thái Bình Dương (APAC) cho thấy họ đang chuyển hướng sang thị trường tư nhân để bảo vệ tài sản khỏi sự biến động của thị trường.
Những người giàu có ngày càng tránh xa cổ phiếu và trái phiếu để tập trung vào các công ty riêng hoặc các tài sản được coi là an toàn hơn như vàng và tiền mặt. Đồng thời, họ hầu như tránh xa tiền điện tử, thứ đặc biệt dễ “bốc hơi”.
“Các nhà đầu tư APAC đang trở nên thận trọng hơn trong việc xây dựng danh mục đầu tư và dần chuyển hướng sang các tài sản tư nhân và tài sản thay thế an toàn; đồng thời ngày càng đa dạng hóa khu vực đầu tư ra ngoài thị trường địa phương" ông Vincent Magnenat, người đứng đầu khu vực Châu Á của Lombard Odier, chia sẻ. “Tỉ lệ phân bổ cho tài sản kỹ thuật số là cực kỳ thấp,” ông nói thêm.
Sự sụt giảm của cổ phiếu công nghệ và lạm phát tăng vọt trong bối cảnh lãi suất tăng đã làm thâm hụt 1,4 nghìn tỉ USD khối tài sản tích lũy của 500 người giàu nhất thế giới, theo chỉ số của Bloomberg. Điều hoàn toàn trái ngược so với tình hình hai năm qua, khi các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch, giúp các loại tài sản như cổ phiếu hay tiền ảo và tài sản cá nhân của giới giàu tăng vọt.
Ngân hàng Lombard Odier cho biết lạm phát tăng và những tác động của nó đến nền kinh tế toàn cầu là mối quan tâm lớn nhất đối với 77% người được hỏi. Một nửa trong số họ lo lắng về sự biến động của thị trường, điều này đã thúc đẩy 56% trong số họ tăng cường đa dạng hóa. 83% các cá nhân giàu có trong cuộc khảo sát cũng tránh xa tiền điện tử.
Theo Lombard Odier, mối lo ngại về tính thanh khoản thấp, đặc biệt là ở các thế hệ người giàu lớn tuổi, đã thúc đẩy dòng tiền vào thị trường tài sản tư nhân.
“Các nhà đầu tư ở châu Á dường như tin rằng những tài sản này cho phép họ nắm bắt những thay đổi về cơ cấu và có thể quản lý rủi ro tốt hơn”, Lombard Odier cho biết trong nghiên cứu.
Dẫn đầu xu hướng này là giới giàu ở Singapore và Australia với 60% người được hỏi cho biết đang có kế hoạch tăng phân bổ đầu tư vào thị trường tài sản tư nhân.
Nghiên cứu của Lombard Odier được thực hiện với hơn 450 cá nhân có giá trị tài sản cao ở Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Đài Loan và Australia. Tập đoàn này quản lý khoảng 363 tỉ USD của các khách hàng trên toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm:
Tân Thủ tướng Anh đang gặp nhiều "bài toán khó"
Nguồn Bloomberg