Không có cái gọi là phép màu tăng trưởng
“Phép màu tăng trưởng” là cụm từ thường được sử dụng để nói đến những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng vượt bậc như Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy vậy, Tyler Cowen, giáo sư kinh tế tại Đại học George Mason, tác giả của cuốn “Average Is Over: Powering America Beyond the Age of the Great Stagnation” lại cho rằng chẳng có phép màu nào cả. Nhận định của ông có thể giúp hiểu thêm về triển vọng của các nền kinh tế đang phát triển, nhất là Trung Quốc.
Theo giáo sư Mason, hầu hết những quốc gia giàu có nhất trên thế giới đều có được vị thế hiện nay mà không trải qua giai đoạn tăng trưởng siêu tốc.
Đan Mạch với thu nhập bình quân đầu người khoảng 52.000 USD thường xuyên được xếp hạng là đất nước hạnh phúc nhất thế giới, chưa bao giờ trải qua cái gọi là phép màu kinh tế. Nếu tìm kiếm trên Google, kết quả cho thấy chi tiết rằng vào những năm 1990, Đan Mạch đã hạ tỷ lệ thất nghiệp mà không phải phá vỡ hệ thống an sinh xã hội.
Lịch sử kinh tế Đan Mạch khá nhàm chán. Từ năm 1890 đến năm 1916, tăng trưởng bình quân đầu người của nước này khoảng 1,9%/năm và nếu năm 1916 đã có dự báo rằng nếu tốc độ này được duy trì trong 100 năm tới, thu nhập cũng chẳng tăng là bao. Tuy nhiên, Đan Mạch duy trì được tốc độ tăng trưởng dương trong 84% trong 100 năm kể từ năm 1916 và không vấp phải bất kỳ cuộc suy thoái sâu nào, theo nghiên cứu của Lant Pritchett và Lawrence Summers.
Hãy xem xét Mỹ - nước có thu nhập bình quân đầu người vượt qua châu Mỹ Latin trong thế kỷ 19 chủ yếu do kinh tế Mỹ Latin rơi vào tình trạng trì trệ. Thời điểm đó, kinh tế Mỹ cũng chỉ tăng trưởng chưa đến 2% và thậm chí còn thấp hơn cho đến tận năm 1860 - con số thua xa so với mức tăng trưởng ấn tượng của Trung Quốc hay Ấn Độ ngày nay.
Một trong những lợi thế lớn của Mỹ là tránh được các thảm họa chiến tranh, ngoại trừ cuộc nội chiến, và cứ thế tiến lên phía trước.
Sự trì trệ của châu Mỹ Latin trong thế kỷ 19, ngoài việc lãng phí thời gian quý báu, đã khiến khu vực này phải hứng chịu cơ sở hạ tầng yếu kém, hệ thống giáo dục nghèo này và hệ thống chính trị bất thường. Tất cả những điều này khiến châu Mỹ Latin gần như không thể theo kịp Mỹ trong thế kỷ 20.
Tăng trưởng chậm chạp không có nghĩa là Mỹ hay Đan Mạch là kẻ thất bại trong thế kỷ 19. Các nước đi đầu về công nghệ cũng không thể tạo ra những bước nhảy về chất lượng cuộc sống vì phát minh sẽ tốn thời gian hơn so với vay mượn công nghệ từ các nước giàu có hơn.
Sự vay mượn bí quyết công nghệ cùng với đẩy mạnh xuất khẩu và đầu tư vào giáo dục cũng như cơ sở hạ tầng là công thức chung để tạo ra phép màu kinh tế mà những “con hổ châu Á” như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Singapore và Trung Quốc áp dụng để đạt được tốc độ tăng trưởng 8-10%/năm.
Nếu bạn là nhà đầu tư, kinh nghiệm của Đan Mạch và các câu chuyện tăng trưởng "không thần kỳ" khác sẽ mang lại một số manh mối về tương lai của các nền kinh tế đang phát triển. Mô hình tăng trưởng Đông Á đã thuộc về lịch sử. Giờ đây, tăng trưởng chậm và chắc có lẽ là lựa chọn duy nhất. Vì nhiều lý do, một vài nước có thể có được thành công về giáo dục với tốc độ nhanh như những con hổ Đông Á. Tăng trưởng mậu dịch - từng vượt tăng trưởng sản lượng hồi cuối thế kỷ 20 - giờ đây dường như cũng trì trệ. Nhiều ngành xuất khẩu được tự động hóa, do vậy, không tạo ra nhiều việc làm cho tầng lớp trung lưu như trước kia.
Nói cách khác, thế giới ngày nay giống với thế kỷ 19 hơn là với mấy thập kỷ vừa qua. Điều đó đồng nghĩa một tỷ lệ tăng trưởng khiêm tốn và sự ổn định mới là mô hình tối ưu nhất.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg