Tàu Ever Given vẫn bị giữ tại Ai Cập. Ảnh: Al Jazeera.
Khối hàng hóa khổng lồ vẫn kẹt trên tàu Ever Given
Theo The Guardian, hơn 2 tháng sau khi tàu Ever Given được giải phóng khỏi điểm mắc kẹt ở kênh Suez, khối hàng hóa trị giá hàng trăm triệu USD trên tàu vẫn chưa có cách xử lý.
Từ thực phẩm như chanh, măng và đậu phụ, đến hàng điện tử và đồ gia dụng của Lenovo, Ikea, Dixons Carphone và các sản phẩm khác như ghế, đồ bơi, máy cắt cỏ và dụng cụ cắm trại... dự kiến mắc kẹt trên tàu Ever Given tại Ai Cập trong thời gian dài.
Cuối tháng 4, Ai Cập tuyên bố Cơ quan quản lý kênh đào Suez tạm giữ con tàu, thủy thủ đoàn gồm 26 người và khối hàng hóa trị giá hơn 100 triệu USD, cho đến khi chủ nhân của Ever Given đồng ý bồi thường cho vụ tắc nghẽn kênh đào.
“Chúng tôi rất thất vọng. Một số khách hàng của chúng tôi đang bất bình”, ông Jai Sharma của công ty luật Clyde & Co, đại diện cho các công ty có hàng hóa mắc kẹt trên tàu Ever Given, cho biết.
Việc dỡ hàng khỏi tàu ngay tại Ai Cập là điều khó có thể thực hiện được, vì đòi hỏi các xe cẩu và phương tiện bốc dỡ hàng hóa có kích thước lớn, tại một cảng đủ sâu và rộng.
Con thuyền của Liên đoàn Công nhân Vận tải Quốc tế đến thăm tàu Ever Given. Ảnh: Liên đoàn Công nhân Vận tải Quốc tế. |
Nhà sản xuất công nghệ Lenovo của Trung Quốc Dixons Carphone và Ikea xác nhận rằng sản phẩm của họ vẫn bị mắc kẹt trên tàu. Đại diện của Dixons Carphone cho biết: “Một số lượng nhỏ container của chúng tôi vẫn còn trên tàu Ever Given”.
Một số nhà bán lẻ đang xem xét các hành động pháp lý với Ban quản ký kênh Suez nhằm cố gắng giải phóng hàng hóa của họ. Bà Charlotte West - Giám đốc Điều hành Truyền thông Doanh nghiệp Toàn cầu của công ty Lenovo nói: “Chúng tôi đang tìm cách để thu hồi hàng hóa”.
Hồi tháng 5, công ty Clyde & Co đã yêu cầu Ban quản lý kênh đào Suez xem xét việc một số hàng hóa trên tàu có nguy cơ hết hạn hoặc sớm hư hại. Cuộc chiến pháp lý xoay quanh con tàu Ever Given dự kiến được tái xem xét tại tòa án ở thành phố cảng Ismailia, Ai Cập vào ngày 20.6.
Ban đầu, Ban quản lý kênh đào Suez yêu cầu chủ sở hữu của Ever Given và các công ty bảo hiểm bồi thường 916 triệu USD, bao gồm chi phí cứu hộ. Mặc dù, SCA đã đồng ý giảm số tiền bồi thường xuống 550 triệu USD sau khi xác định lại giá trị hàng hóa trên tàu sau phiên điều trần ngày 29.5 tại tòa. Tuy nhiên, Ban quản lý kênh đào vẫn chưa cung cấp thông tin để giải thích nhu cầu về mức bồi thường “khủng” của mình, ngoài việc niêm yết 300 triệu USD cho “khoản tiền thưởng cứu vãn” và 300 triệu USD nữa vì “mất danh tiếng” và thiệt hại vật chất cho kênh.
Cuối tháng 5, các nhà chức trách Ai Cập đã âm thầm tiết lộ rằng một người đã chết trong nỗ lực trục vớt con tàu.
Các nhà quan sát vẫn bối rối không hiểu tại sao Ban quản lý kênh đào Suez lại ép bồi thường thiệt hại cho danh tiếng của mình trong khi tiếp tục giam giữ tàu, thủy thủ đoàn và hàng hóa, gây tổn hại thêm cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Dustin Eno thuộc Câu lạc bộ P&I Vương quốc Anh cho biết: “Theo nhiều cách, sự cố này là cơ hội để Ai Cập tỏa sang”.
Ban quản lý kênh đào Suez đã hỗ trợ trục vớt và thành công trong vòng 6 ngày. Đây là một kết quả tuyệt vời mà người Ai Cập nên tự hào, nó đã thu hút rất nhiều sự chú ý đến kênh đào Suez và đóng góp to lớn cho thương mại toàn cầu. Tôi vẫn chưa hiểu tại sao họ nghĩ rằng danh tiếng của họ đã bị tổn hại”, Ông Dustin Eno nhận định.
Tàu Ever Given, thuộc sở hữu công ty Shoei Kisen Kaisha của Nhật Bản, chắn ngang kênh đào Suez hôm 23.3 và được giải cứu thành công vào ngày 29.3. Sự cố làm hơn 400 tàu thuyền không thể di chuyển qua kênh, khiến dòng thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Có thể bạn quan tâm: