Khối BRIC qua cơn ác mộng
Các thị trường mới nổi đã trải qua rất nhiều biến cố trong vòng 4 năm qua: biến động thị trường vào năm 2013 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát đi tín hiệu giảm dần và tiến tới ngưng chương trình mua lại trái phiếu; giá dầu giảm mạnh vào năm 2014; Trung Quốc phá giá đồng nội tệ vào năm 2015; Ấn Độ hủy bỏ tiền giấy mệnh giá lớn vào cuối năm 2016. Nhưng năm 2017 dường như mang đến một triển vọng sáng sủa hơn. Thực vậy, lần đầu tiên trong 2,5 năm, 4 nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, được gọi là khối BRIC, đã đồng thời tăng trưởng.
GDP của Nga đã chạm đáy vào cuối năm 2015 (dựa trên các con số được điều chỉnh theo mùa vụ) sau cuộc suy thoái kéo dài nhất kể từ thập niên 1990. Kinh tế Nga đã tăng trưởng khả quan trong 3 quý vừa qua. Giá dầu cao hơn đã góp phần vào mức tăng trưởng này. Tuy nhiên, Nga chưa hoàn toàn hưởng lợi từ việc thị trường dầu mỏ hồi phục vì nước này dù tăng tốc doanh số bán dầu nhưng không vượt hạn mức sản xuất, vốn là nguyên nhân đã tạo đà khởi sắc cho thị trường.
Trong suốt thời kỳ sụp đổ của đồng ruble vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015, rất dễ khiến người ta quên đi một số thế mạnh của nền kinh tế Nga, như thặng dư thương mại luôn cao và nguồn dự trữ ngoại hối mạnh (chưa bao giờ thấp hơn 300 tỉ USD). Khi kinh tế Nga lấy lại chỗ đứng của mình, đồng rouble đã hồi phục, tăng 15% so với đồng USD trong 12 tháng qua, đưa nó trở thành một trong những đồng tiền diễn biến tốt nhất trên thế giới.
Đối với Brazil, nền kinh tế cũng trải qua không ít nỗi đau. Nền kinh tế nước này đã suy giảm trong 8 quý liên tiếp khi giá cả hàng hóa giảm mạnh, một vị tổng thống bị cáo buộc tham nhũng cùng nhiều vụ bê bối chính trị khác. Các vụ bê bối chính trị của Brazil còn lâu mới giải quyết xong, nhưng ít nhất có một thông tin đáng mừng cho Brazil là thời tiết rất thuận lợi cho ngành nông nghiệp. Những cơn mưa mùa hè hào phóng ban mưa cho các bang như Bahia, nhờ đó đã góp phần mang lại một vụ mùa bội thu cho Brazil, nhất là các loại cây trồng như bắp và đậu nành trong những tháng đầu năm nay. Điều này đã giúp GDP của Brazil tăng trưởng 1% trong quý I năm nay (xét hằng năm, tốc độ tăng trưởng là hơn 4%).
Tuy nhiên, các vụ mùa bội thu không thể lặp lại cứ mỗi 3 tháng nên một số chuyên gia kinh tế lo ngại GDP Brazil có thể lại suy giảm trong quý II này, nhưng nhiều chuyên gia lại dự đoán tăng trưởng sẽ dương trong cả năm 2017.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, do sức ép giảm giá cả và tiền tệ, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã thực sự suy giảm xét theo giá trị USD trong năm 2016, lần đầu tiên trong 22 năm qua. Nhưng mối đe dọa giảm phát kể từ đó đã xa dần và đồng nhân dân tệ đã mạnh lên trong năm nay so với đồng bạc xanh, khi dòng vốn chảy ra khỏi nước này được kiềm hãm. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể đã gia tăng nội lực cho nguồn dự trữ ngoại hối của mình, vốn đã tăng thêm 24 tỉ USD trong tháng 5.2017, sau khi đã sụt giảm khoảng 1.000 tỉ USD kể từ mức đỉnh vào năm 2014 khi dòng vốn tháo chạy.
Liệu những dấu hiệu khả quan hơn nói trên có thổi sức sống mới vào thương hiệu BRIC? Cũng cần nói thêm, thuật ngữ BRIC ban đầu được đưa ra vào năm 2001 bởi Jim O’Neil, khi ông là chuyên gia kinh tế trưởng của Goldman Sachs. Các nhà lãnh đạo các nền kinh tế BRIC đã bắt đầu tổ chức hội nghị thượng đỉnh hằng năm và mời Nam Phi vào tham gia trở thành thành viên thứ 5 vào năm 2010. Khi đó, BRIC đã được viết lại thành BRICS. Họ cũng đã dựng lên một ngân hàng phát triển có trụ sở đặt tại Thượng Hải nhưng đứng đầu là một người Ấn Độ. Ngân hàng này hiện có cơ sở hoạt động tại tất cả 5 nước, đã phê chuẩn khoản vay đầu tiên cho Brazil vào tháng 4 vừa qua.
Tuy nhiên, O’Neil luôn cho rằng Nam Phi - một đất nước chỉ có 56 triệu dân với GDP chưa tới 300 tỉ USD - quá nhỏ để có thể đứng cạnh các nền kinh tế khác trong khối. Hiện tại, sự chênh lệch càng trở nên rõ ràng khi kinh tế Nam Phi đã chìm vào suy thoái trong quý I năm nay.
Sau khi khai sinh ra tên BRIC vào năm 2001, Goldman Sachs đã vạch ra sơ đồ tương lai cho khối này trong vòng 50 năm tới trong một bài viết gọi là “Mơ cùng BRIC”, được xuất bản vào năm 2003. Goldman Sachs sau đó đã nâng các dự báo tăng trưởng vào năm 2011 do diễn biến lạc quan của khối BRIC trong thập niên trước đó. Nhưng điều đó đã cho thấy sự sai lầm. Trong số 4 nền kinh tế, chỉ GDP xét theo USD của Trung Quốc là bắt kịp những dự báo tăng trưởng lạc quan năm 2011 (xem biểu đồ). Những nền kinh tế khác đều tăng trưởng thấp hơn so với dự báo tổng cộng 3.000 tỉ USD. Một nỗi thất vọng khác cũng đã khiến các nhà đầu tư chứng khoán rầu rĩ. Chỉ số cổ phiếu MSCI BRIC Index mất 40% giá trị kể từ mức đỉnh năm 2007.
Nhưng cho dù BRIC không đáp ứng được những kỳ vọng lớn lao của Goldman Sachs năm 2011, các nền kinh tế này cũng đã hoàn thành được “giấc mơ” mà Jim O’Neill đã nói đến vào năm 2001. Thậm chí sau những gian truân gần đây, GDP cộng lại của các nước trong khối BRIC vẫn lớn hơn rất nhiều so với nhóm Goldman Sachs đã dự tính vào năm 2003 (16.600 tỉ USD so với 11.600 tỉ USD). Chỉ có Nga là không đáp ứng được những kỳ vọng ban đầu. Trung Quốc thì dễ dàng vượt qua kỳ vọng. Tại Brazil, tăng trưởng chậm hơn so với mức dự kiến của Goldman Sachs nhưng tỉ giá hối đoái của Brazil lại tăng nhanh hơn họ nghĩ, đẩy cao GDP xét theo giá trị USD của nước này.
Vấn đề phiền toái nhất của BRIC có thể nằm ở phía Trung Quốc, thành viên quan trọng trong khối. Trung Quốc đã đóng góp khoảng phân nửa trong tổng GDP của khối trong năm 2001 nhưng giờ chiếm tới 2/3. Trung Quốc cũng là đại bản doanh của hầu hết các doanh nghiệp lớn nhất trong khối BRIC. 8/10 cổ phiếu lớn nhất trong MSCI BRIC Index là từ Trung Quốc trong đó có Alibaba, Baidu và Tencent. Khi các thị trường của Trung Quốc tăng trưởng và mở cửa cho dòng vốn chảy vào, nước này chắc chắn càng trở thành một gương mặt chủ chốt. Nói cách khác, mối đe dọa lớn nhất đối với hình ảnh của BRIC có thể không phải là nỗi lo sợ tăng trưởng hằng quý ở mức thấp của Nga, Brazil hay Ấn Độ mà chính là sự thành bại của thành viên lớn nhất khối - Trung Quốc.
Đàm Hoa
Nguồn The Economist