Khoảng cách thu nhập và giàu nghèo ở Hàn Quốc ở mức nghiêm trọng. Ảnh: The Korea Times.

 
Phùng Mỹ Thứ Sáu | 10/12/2021 10:32

Khoảng cách giàu nghèo ngày càng "nới rộng" ở Hàn Quốc

Khi đại dịch bùng phát, trong lúc người nghèo bị đẩy gần đến bờ vực, giá trị tài sản mà người giàu sở hữu đã tăng vọt cùng thời kỳ.

Theo The Korea Times, kết quả điều tra cho thấy thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc tính theo sức mua tương đương cao, tương tự các nước Tây Âu, nhưng sự bất bình đẳng về thu nhập và giàu nghèo lại ở mức nghiêm trọng.

Viện nghiên cứu bất bình đẳng thế giới (World Inequality Lab, trụ sở tại Pháp) ngày 7/12 đã phát hành "Báo cáo bất bình đẳng thế giới" lần thứ hai kể từ sau năm 2018.

Theo báo cáo này, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc đạt 33.000 euro/năm tính theo sức mua tương đương, cân nhắc tới vật giá và tỉ giá hối đoái các nước. Mức thu nhập này cao hơn các nước Anh, Tây Ban Nha và Ý, nhưng thấp hơn Pháp, Đức.

Nhóm 10% người dân có thu nhập cao nhất năm 2021 chiếm 46,5% tổng thu nhập toàn dân số. Thu nhập bình quân của nhóm này là 153.200 euro/năm. Ngược lại, nhóm 50% có thu nhập thấp nhất lại chỉ tạo ra được 16% tổng thu nhập toàn dân số và thu nhập bình quân mỗi người kiếm được 16.000 euro/năm. Tức chênh lệch thu nhập giữa hai nhóm là 14 lần.

Một phụ nữ 72 tuổi ở khu ổ chuột Guryong, gần Gangnam, quận giàu có nhất Hàn Quốc. Dữ liệu của OECD cho thấy gần một nửa số người trên 65 tuổi của Hàn Quốc sống trong tình trạng nghèo tương đối. Ảnh: Lam Yik Fei / Getty Images
Một phụ nữ 72 tuổi ở khu ổ chuột Guryong, gần Gangnam, quận giàu có nhất Hàn Quốc. Dữ liệu của OECD cho thấy gần một nửa số người trên 65 tuổi của Hàn Quốc sống trong tình trạng nghèo tương đối. Ảnh: Getty Images.

Báo cáo trên phân tích Hàn Quốc đã nới lỏng quy chế trong khi chưa xây dựng được mạng lưới an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế đột ngột, dẫn tới tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng. 

Tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo còn nghiêm trọng hơn bất bình đẳng thu nhập. Tổng tài sản tài chính và các tài sản phi tài chính như nhà ở của nhóm 10% những người giàu nhất chiếm tỉ lệ 58,5%, tài sản bình quân đầu người đạt 1.051.300 euro. Trong khi tổng tài sản của nhóm 50% những người nghèo nhất chỉ chiếm có 5,6%, bình quân đầu người là 22.000 euro. Tổng tài sản của hai nhóm này chênh nhau 52 lần, nghiêm trọng hơn cả khoảng cách về thu nhập.

Khoảng cách thu nhập giữa các quốc gia Tây Âu như Pháp là 7 lần, Anh là 9 lần, Đức là 10 lần, đều thấp hơn Hàn Quốc.

Nếu coi tỉ lệ thu nhập bình đẳng giữa nam giới và nữ giới là 50%, thì thu nhập của phụ nữ Hàn Quốc năm 2020 là 32,4%.

Cũng theo báo cáo trên, chênh lệch tài sản ngày càng sâu sắc có thể làm trầm trọng thêm xung đột chính trị, xã hội và làm tổn hại đến chất lượng cuộc sống ở Hàn Quốc trong tương lai.

Giá bất động sản tăng vọt khiến ước mơ sở hữu nhà riêng xa vời với nhiều người Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.
Giá bất động sản tăng vọt khiến ước mơ sở hữu nhà riêng xa vời với nhiều người Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.

Trong khi giá trị tài sản tiếp tục tăng, tỉ lệ nghèo tương đối (thiếu thu nhập tối thiểu cần thiết để duy trì mức sống bình thường) ở xứ kim chi cũng tăng lên.

Theo dữ liệu mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc có tỉ lệ nghèo tương đối là 16,7%, cao thứ 4 trong số các nước thành viên OECD sau Costa Rica (20,5%), Mỹ (17,8%) và Israel (16,9%).

Nghèo đói ở người già cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ cao này ở Hàn Quốc. 43,4% người Hàn Quốc trên 65 tuổi đang sống trong cảnh nghèo đói, tỉ lệ cao nhất trong số các nước thành viên OECD.

Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, bất bình đẳng trong thu nhập hộ gia đình cũng gia tăng trong thời kỳ đại dịch. Báo cáo của cơ quan này cho thấy các hộ gia đình thuộc nhóm thu nhập thấp nhất phải chịu gánh nặng của cú sốc kinh tế do COVID-19 gây ra.

Một báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Bảo hiểm Hàn Quốc (KIRI) cũng cảnh báo nếu tình hình không được giải quyết đúng cách có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định tài chính trung và dài hạn của nước này.

“Giá trị của tất cả loại tài sản đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại, từ cổ phiếu, bất động sản đến tài sản ảo. Nợ hộ gia đình gia tăng cũng là điều đáng lo ngại, không chỉ từ góc độ quy mô mà còn ở tốc độ gia tăng nợ - một trong những tốc độ nhanh nhất trong số các nước OECD. Tình trạng mất cân đối này cần được giải quyết", nhà nghiên cứu Cho Young-hyun tại KIRI nhận định.

Có thể bạn quan tâm:

Sự biến mất của những du khách giàu có trong ngành du lịch toàn cầu