Khó khăn của kinh tế Nga nhìn từ cây xúc xích
Với Galina Mityaeva – một bà nội trợ đã nghỉ hưu và hiện 69 tuổi, khó khăn này được tính bằng từng centimet. Nửa cây xúc xích braunschweiger - món ăn yêu thích hàng tuần của chồng bà gần đây trở nên quá đắt đỏ.
“Mỗi lần tới cửa hàng, tôi đều thấy thực phẩm đắt lên. Bây giờ ai cũng cảm thấy bực bội. Trong nhóm xếp hàng mua, ở bất cứ đâu, bạn có thể nghe thấy những lời phàn nàn kiểu như: Biết mua gì với 1.000 ruble đây?”.
7 tháng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chấp nhận cho sáp nhập Crimea và gây ra làn sóng trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, dòng tiền tháo chạy khỏi Nga khiến ruble mất giá kỷ lục. Người tiêu dùng Nga bắt đầu cảm nhận được tác động từ các lệnh trừng phạt này. Lạm phát Nga tháng 9 lên 8%, cao nhất 3 năm, trong đó, giá thịt tăng 17%, giá thuốc lá tăng 28%, vé máy bay quốc tế và các dịch vụ du lịch tăng 13%.
Natalya Lomteva, một sinh viên 20 tuổi, thậm chí cho rằng ý tưởng du lịch nước ngoài là quá xa vời. Cô phải dành số tiền eo hẹp của mình để thỏa mãn thoái quen hút thuốc hàng ngày, và ăn tại các cửa hàng vừa túi tiền.
Khi mùa đông đang đến gần, việc tìm nơi tụ tập bạn bè cũng càng trở nên tốn kém. "Vào mùa hè, ít ra chúng tôi còn có thể đi công viên", Lomteva nói khi đang nhâm nhi một tách trà tại một quán cà phê mà cô gọi là “cà phê giá rẻ” ở quận Shchukino, phía bắc Matxcơva.
Một bữa ăn ở Beverly Hills Diner giờ đây đối với cô quá đắt đỏ với các món ăn hamburgers và các món Mỹ do giá thực phẩm tăng.
Giá thực phẩm ở Nga tăng mạnh sau khi Tổng thống Putin áp lệnh cấm nhập khẩu rau quả và một số nhu yếu phẩm khác từ châu Âu trong vòng 1 năm. Lạm phát giá thực phẩm tăng gần gấp đôi lên 11%, từ mức 6% năm ngoái.
Trong khi đó, một số sản phẩm gần như biến mất sau các lệnh trừng phạt đáp trả. Một khảo sát công bố đầu tuần của ngân hàng Sberbank cho biết 17% người tham gia nhận xét họ đã không thể tìm thấy món hàng yêu thích trên các kệ hàng. Marina Khomenko, một giáo viên 56 tuổi cho biết cô không thể tìm mua được mỹ phẩm Nivea hay quần áo C&A mà cô thích. Trong khi đó, cô ước tính, giá một số mặt hàng đã tăng gấp 3 lần.
Giới hoạch định chính sách Nga đã bằng mọi cách để kiềm chế lạm phát, cứu nội tệ như mở kho dự trữ ngoại hối, bơm thêm USD vào nền kinh tế.
Mityaeva đã ghi lại danh sách các mặt hàng tăng giá thời gian gần đây gồm bánh mỳ, sữa, bơ, kem chua, cánh gà. Bà cũng phải bỏ ra 4.000 ruble (100 USD) mỗi tháng để mua thuốc trợ timtTrong khi lương hưu của bà chỉ 11.000 ruble.
Nguồn Theo DVO