Khi rủi ro từ Trung Quốc và Hy Lạp lây lan
Tác động dây chuyền trong hệ thống tài chính cũng giống như bệnh dịch, lây lan vô cùng nhanh chóng. Khi một quốc gia gặp bất ổn trong hệ thống tài chính, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác và thậm chí lan rộng ra toàn cầu. Khủng hoảng thị trường của một quốc gia có thể tác động đến hệ thống ngân hàng của nước khác. Rắc rối nợ công của một chính phủ khiến nhà đầu tư tập trung chú ý đến tất cả những nước khác có tình hình nợ tương tự.
Đôi khi, các chuyên gia không thể giải thích tại sao rắc rối nhỏ tại một nước có thể trở thành điều tồi tệ của một quốc gia khác cách nửa vòng trái đất, khiến nhà đầu tư phải “bỏ chạy” khỏi toàn bộ khu vực kinh tế và bán tháo tài sản.
Các chuyên gia kinh tế nói rằng có nhiều cách để một quốc gia tự bảo vệ mình khỏi các cuộc khủng hoảng, nhưng ngay cả những chính sách tốt nhất cũng không thể bảo đảm 100% rằng khủng hoảng sẽ không diễn ra.
Tiền lệ trong thực tế
Thị trường chứng khoán, trái phiếu và tiền tệ hiện nay đang bị ảnh hưởng bởi những lo ngại rằng Hy Lạp sẽ rời khỏi Eurozone. Cuộc đàm phán với chủ nợ bị đổ vỡ ngày 26/6 khiến hệ thống ngân hàng nước này buộc phải đóng cửa và áp đặt tình trạng kiểm soát vốn.
Rủi ro tín dụng tăng cao tại Trung Quốc cũng đang làm nhiều nhà đầu tư và giới chuyên gia lo ngại. Mức nợ 323 tỷ Euro của Hy Lạp thấp hơn nhiều so với mức 28,2 nghìn tỷ USD của Trung Quốc.
Những kịch bản đã từng xảy ra trong lịch sử cho thấy nhà đầu tư luôn phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á và Nga cuối thập niên 90 đã gây ra một đợt bán tháo toàn cầu và khiến một trong những tổ chức đầu tư lớn nhất nước Mỹ là Quỹ đầu tư Capital Management Long-Term (CMLT) sụp đổ. Khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã phải đưa ra gói cứu trợ hơn 3,6 tỷ USD cho 16 ngân hàng lớn như JP Morgan Chase, Goldman Sachs, Morgan Stanley… để ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ thị trường.
Vào cuối những năm 2000, cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp bất động sản đã làm chao đảo hệ thống tài chính toàn cầu, khiến nhiều nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Chính phủ của các quốc gia thường thiếu một hệ thống cảnh báo tài chính sớm, trong đó dự đoán những doanh nghiệp nào sẽ chịu tổn thương nhiều nhất nếu khủng hoảng xảy ra. Điều này dẫn đến phản ứng dây chuyền của các nhà đầu tư trước những tin đồn và bán tháo loại tài sản mà họ cho rằng có thể bị ảnh hưởng. Ngay cả những lo ngại vô căn cứ cũng có thể ảnh hưởng lan rộng khi thị trường đi xuống, tạo áp lực khiến các chủ nợ cố gắng thu hồi nợ.
Nguyên nhân
Các chuyên gia kinh tế đã nghiên cứu và xác định những yếu tố có khả năng tạo ra sự sụp đổ dây chuyền cao. Ví dụ, khi một quốc gia chi tiêu vượt khả năng và phụ thuộc quá nhiều vào nợ quốc tế ngắn hạn, nước này sẽ gặp khó khăn rất lớn khi chủ nợ và nhà đầu tư có đòi hỏi khắt khe hơn.
Hệ thống tài chính của quốc gia cũng dễ bị tổn thương khi các ngân hàng và tổ chức tài chính đầu tư chủ yếu dựa trên tiền đi vay. Nếu những khoản đầu tư này bị thua lỗ, nhà đầu tư có thể bị phá sản dẫn đến thanh lý tài sản hoặc bị các chủ nợ yêu cầu gia tăng giá trị tài sản thế chấp. Cả hai trường hợp này đều dẫn đến tình trạng bán tháo tài sản tại các thị trường khác để tăng vốn.
Điều nguy hiểm nhất là đôi khi nhà đầu tư phản ứng bất ngờ với những vấn đề có thể thấy trước. Mức giá nhà lên quá cao tại Mỹ vào giữa những năm 2000 là điều ai cũng thấy nhưng lại khiến thị trường khủng hoảng khi bong bóng bất động sản vỡ. Nguyên nhân rất đơn giản, khi nhà đầu tư đua nhau đẩy giá lên thì thậm chí những khoản đầu tư tồi cũng đem lại lợi nhuận tốt. Các nhà quản lý quỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tham gia xu thế bầy đàn này bởi nếu không, kết quả kinh doanh của họ sẽ thấp hơn đối thủ.
Trong trường hợp như vậy, chỉ những tin tức cực kỳ gây sốc mới làm chuyển biến cảm xúc chi phối nhà đầu tư từ “tham lam” sang “sợ hãi”, như việc ngân hàng BPN Paribas của Pháp đóng băng 3 quỹ đầu tư của mình năm 2007 khởi đầu cho cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Biện pháp phòng tránh
Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng sụp đổ dây chuyền thị trường hiện vẫn đang là một câu hỏi chưa lời giải đáp.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gợi ý rằng việc lập các rào cản đối với nhà đầu tư nhằm hạn chế chuyển tiền ra hoặc vào thị trường là một cách. Nhưng nhiều chuyên gia không đồng ý và cho rằng phương pháp này sẽ hạn chế đầu tư và không có tác dụng nhiều trong việc bảo vệ cũng như cải thiện hệ thống tài chính quốc gia.
Chuyên gia kinh tế Kristin Forbes của Viện Công nghệ Massachusetts cho rằng biện pháp đáng tin cậy nhất hiện nay là thực hiện chính sách kinh tế tài chính lành mạnh với kế hoạch dài hạn. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà hoạch định chính sách cần đảm bảo chính phủ không chi tiêu quá mức dựa trên nợ công và các tổ chức tài chính có đủ vốn để chịu đựng được thua lỗ.
Hoàng Nam - Theo Bloomberg
Nguồn NDH