Người lớn tuổi xếp hàng nhận đồ ăn miễn phí tại Seoul vào đêm Giáng sinh. Ảnh: Korea Times

 
Thứ Tư | 25/12/2024 17:57

Khi Hàn Quốc bước vào kỷ nguyên xã hội siêu già

Hàn Quốc và các quốc gia Đông Á khác đang đối mặt khi xã hội của họ già đi chỉ vài thập kỷ sau quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng.

Hàn Quốc đã trở thành một "xã hội siêu già hóa", một khái niệm được Liên Hợp Quốc định nghĩa, khi tỉ lệ công dân từ 65 tuổi trở lên chiếm 20% dân số, theo thông báo của Bộ Nội vụ và An ninh vào ngày 24/12.

Số lượng người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 65 trở lên đạt 10.244.550 người, chiếm 20% tổng dân số của quốc gia này là 51.221.286 người.

Liên Hợp Quốc phân loại các quốc gia có hơn 7% dân số từ 65 tuổi trở lên là xã hội già hóa, các quốc gia có hơn 14% là xã hội già và những quốc gia có hơn 20% là xã hội siêu già.

Kể từ cuối những năm 1980, tỉ lệ nhóm người cao tuổi đã tăng nhanh do tỉ lệ sinh giảm. Vào năm 1990, con số này chỉ là 5,1%, sau đó chỉ mất 20 năm để đạt 11% và tiếp tục đạt 20% sau 15 năm nữa. Nếu xu hướng này tiếp tục, dự báo tỉ lệ này sẽ đạt 25,3% vào năm 2030 và 40,1% vào năm 2050, theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc.

Theo dữ liệu của Bộ Nội vụ và An ninh, số lượng phụ nữ cao tuổi là 5,69 triệu người, trong khi số lượng nam giới là 4,54 triệu người. Nhóm tuổi này chiếm 27,18% dân số tại tỉnh Nam Jeolla, tỉ lệ cao nhất trong các vùng chính của quốc gia. Thành phố Sejong, thủ đô hành chính của đất nước có tỉ lệ thấp nhất là 11,57%. Tại Seoul, người cao tuổi chiếm 19,41% dân số.

Dữ liệu này nhấn mạnh vấn đề nhân khẩu học mà Hàn Quốc và các quốc gia Đông Á khác đang đối mặt khi xã hội của họ già đi chỉ vài thập kỷ sau quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng.

Nhiều quốc gia châu Âu cũng đang đối mặt với dân số già, nhưng nhập cư giúp họ giảm bớt tác động. Tuy nhiên, các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc lại ngần ngại đối với việc nhập cư ồ ạt để giải quyết sự suy giảm dân số trong độ tuổi lao động.

“Cần phải có một sự thay đổi căn bản và hệ thống trong chính sách dân số của chúng ta, bao gồm việc thành lập một bộ phận chính phủ chuyên trách cho công việc này, khi chúng ta bước vào một kỷ nguyên mới mà tỉ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên cao hơn 20%”, ông Kim Min-jae, một quan chức Bộ Nội vụ và An ninh cho biết .

Việc tạo ra một bộ phận chính phủ mới để giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến quản lý dân số là một trong những cam kết chủ chốt trong chiến dịch bầu cử của Tổng thống Yoon Suk Yeol. 

Các chuyên gia cho rằng, lý do dẫn đến sự thay đổi nhân khẩu học ở châu Á bao gồm văn hóa làm việc khắt khe, mức lương đình trệ, chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, thái độ thay đổi đối với hôn nhân và bình đẳng giới, cùng với sự thất vọng ngày càng gia tăng trong các thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, mặc dù có các yếu tố kinh tế tác động, việc chi tiền vào vấn đề này đã chứng tỏ là không hiệu quả. Vào năm 2022, chính quyền Hàn Quốc thừa nhận rằng hơn 200 tỉ USD đã được chi tiêu để cố gắng thúc đẩy dân số trong suốt 16 năm trước đó.

Để đối phó với chi phí hưu trí ngày càng tăng và dân số trong độ tuổi lao động ngày càng thu hẹp, ông Lee Joong-ken, Chủ tịch Hiệp hội Người cao tuổi Hàn Quốc, đã đề xuất tăng độ tuổi tối thiểu để được hưởng các phúc lợi dành cho người cao tuổi từ 65 lên 75. Độ tuổi này là tiêu chí để xác định độ tuổi nghỉ hưu tại các công ty và các phúc lợi do chính phủ cung cấp cho người cao tuổi khi dân số nhóm này ngày càng tăng.

Với tỉ lệ sinh thấp dưới 1, mức thấp nhất trên thế giới, Hàn Quốc dự báo sẽ cảm nhận rõ tác động xã hội và kinh tế từ sự thay đổi nhân khẩu học sâu rộng trong những thập kỷ tới.

Có thể bạn quan tâm:

Ngành quảng cáo toàn cầu trước làn sóng công nghệ

Nguồn The Korea Times