Cán cân cung - cầu khí đốt ở châu Âu năm nay mong manh hơn nhiều so với các năm trước. Ảnh: Bloomberg.

 
Khánh Tú Thứ Tư | 19/04/2023 11:30

Khí đốt thế giới: Thừa cung, thiếu cầu

Từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt do căng thẳng địa chính trị, thì bây giờ thế giới đang chứng khiến sự đảo chiều ngược lại.

Hơn một năm qua, tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt do căng thẳng chính trị Nga - Ukraine đã khiến thị trường năng lượng trên thế giới, đặc biệt là châu Âu bị đảo lộn. Các nước phương Tây đã tìm nhiều nguồn cung khác nhau để dự trữ năng lượng trong bối cảnh các lệnh trừng phạt Nga lần lượt có hiệu lực. Tuy nhiên, xu hướng này đã thay đổi. Hãng Bloomberg đưa tin thế giới đang thừa khí đốt. Nhu cầu khí đốt suy giảm khiến giá cả giảm mạnh, từ đó tạo ra sự dư thừa khí đốt không chỉ ở châu Âu mà còn ở cả châu Á. Theo dự đoán, tình trạng này có thể kéo dài ít nhất là trong vài tuần tới. 

Mùa đông ấm hơn dự kiến là nguyên nhân của việc cần ít lượng khí đốt hơn so với ước tính, những nỗ lực hạn chế cái lạnh cũng vì vậy mà giảm xuống. Khí hậu diễn ra không đúng với quỹ đạo dự đoán đã khiến tồn kho khí đốt tăng cao từ Hàn Quốc đến Tây Ban Nha. Các tàu chuyên chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), trước đó là một giải pháp thay thế tạm thời cho nguồn cung khí đốt qua đường ống của Nga, “chịu” cảnh lênh đênh, “đóng băng” hoạt động trên biển vì không tìm được khách mua. 

 

Thông thường, nhu cầu về khí đốt sẽ giảm vào thời điểm giao mùa, khoảng thời gian trước khi thời tiết trở nên nóng lên kéo nhu cầu làm mát tăng theo. Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley cho biết vào cuối mùa hè, các nước sẽ chuyển nhiên liệu vào kho lưu trữ để chuẩn bị cho mùa đông tiếp theo. Nhưng năm nay quá trình này có thể được hoàn thành sớm nhất vào cuối tháng 8.

“Đợt dư thừa khí đốt ngắn hạn này sẽ gây áp lực lên giá LNG trong vài tuần tới. Điều này có thể ảnh hưởng và khiến giá khí đốt đi xuống”, ông Talon Custer, nhà phân tích năng lượng của Bloomberg Intelligence nói.

Mặc dù giá khí đốt ở châu Âu và châu Á đã giảm mạnh so với mức cao nhất của năm ngoái, nhưng nhìn chung vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình trong 10 năm qua. Nhiều ý kiến cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy tình trạng dư thừa như hiện tại sẽ không kéo dài. Một khi chi phí dần trở nên rẻ hơn thì có thể kéo nhu cầu tiêu thụ khí đốt tăng lên. Mọi sự chú ý đang đổ dồn vào thời tiết của mùa hè năm nay bởi bất kỳ đợt nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán nào cũng có thể thúc đẩy tiêu thụ khí đốt.

Theo ông Custer, vào đầu quý III, các nước nhập khẩu khí đốt sẽ bắt đầu dự trữ nhiên liệu cho mùa đông. Lúc đó nhu cầu đối với các lô hàng LNG của khách mua sẽ được đẩy lên cao. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại thì tình trạng dư thừa vẫn đang lan rộng. Trên thực tế, Tây Ban Nha, quốc gia có nhiều cảng tiếp nhận LNG nhất châu Âu, lượng khí đốt dự trữ đã đầy 85% kho lưu trữ. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường khí đốt của nước này có thể nhanh chóng chuyển sang trạng thái dư thừa, tạo áp lực lên giá giao ngay, theo nhận định của ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets.

 

Ở Phần Lan, các điểm nhập khẩu LNG cho thời gian hè đã giảm từ 14 xuống còn 10, một phần do nhu cầu tiêu thụ dự kiến trên xu hướng giảm. Vì không muốn phụ thuộc vào khí đốt qua đường ống dẫn của Nga, châu Âu đã cho lắp đặt một loạt cảng tiếp nhận LNG di động. Nhiều cảng di động khác dự kiến tiếp tục được bổ sung trong năm nay và năm tới. Trong khi đó, tháng 3 vừa qua, hoạt động xuất khẩu LNG toàn cầu đã tăng vọt lên mức cao nhất và lập đỉnh, một phần nhờ vào sự phục hồi trong sản xuất của nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ. Càng có nhiều nguồn cung, các chỉ số giá càng bị đẩy xuống, còn các thương buôn thì chật vật vì không có khách hàng.

Xuất khẩu khí đốt của Vương quốc Anh sang châu Âu tăng nhanh do nước này thiếu các kho lưu trữ lượng khí đốt dự trữ. Trung Quốc cũng tái xuất lượng lớn LNG trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm dù đã gỡ bỏ các lệnh hạn chế do đại dịch COVID-19. Quốc gia thường được biết đến là nhà nhập khẩu LNG lớn, Hàn Quốc, cũng ghi nhận nhu cầu có chiều hướng suy giảm. Nhật, cũng là một quốc gia nhập khẩu LNG hàng đầu khác, đang rao bán các lô hàng LNG nhằm ngăn chặn tình trạng thừa cung trong nước.

Về phía Nam Mỹ, theo các chuyên gia phân tích nhận định, nhu cầu ở khu vực vẫn tiếp tục trong tình trạng suy yếu cho đến khi Argentina hoàn thành công trình cảng nổi nhập khẩu thứ 2 vào tháng 5 tới.

Dù vậy, những rủi ro về nguồn cung vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề, từ việc nguồn cung của Nga tiếp tục bị cắt giảm do các lệnh trừng phạt đến khả năng sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể bất ngờ xảy ra. Phần lớn nguồn cung LNG toàn cầu có nguy cơ bị hạn chế trong 2 năm tới. Cán cân cung - cầu khí đốt ở châu Âu năm nay mong manh hơn nhiều so với các năm trước. “Với tình hình hiện nay, bất kỳ sự gián đoạn nào trong nguồn cung, dù chỉ là sự cố nhỏ, đều có thể gây nên tác động lớn”, Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Pháp nhận định.

Có thể bạn quan tâm:

Hai nền kinh tế lớn thế giới dẫn đầu tăng trưởng nợ chính phủ

Nguồn Bloomberg