Mỹ hiện là siêu cường xuất khẩu khí đốt, một sự thay đổi mang tính bước ngoặt cho thị trường năng lượng toàn cầu. Ảnh: The Economist.

 
Khánh Tú Thứ Ba | 03/12/2024 17:30

Khí đốt Mỹ và "cuộc chiến thương mại" mới

Mỹ trở thành siêu cường xuất khẩu khí đốt, nhưng các tranh chấp thương mại trong nhiệm kỳ mới của ông Trump có thể làm lung lay ngành xuất khẩu LNG.

Trong bối cảnh hậu tận thế của loạt phim Mad Max, Gas Town nắm giữ quyền lực nhờ trữ lượng nhiên liệu hóa thạch dồi dào. Dù không ai mong viễn cảnh tương tự, khí đốt chắc chắn sẽ là tâm điểm của các cuộc chiến thương mại nếu ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào ngày 20/1 tới. Những tranh chấp về lĩnh vực này có thể phá vỡ liên minh chặt chẽ giữa ngành năng lượng và chính quyền của ông Trump.

Mỹ hiện là siêu cường xuất khẩu khí đốt, một sự thay đổi mang tính bước ngoặt cho thị trường năng lượng toàn cầu. Năm ngoái, xuất khẩu khí tự nhiên của Mỹ gấp hơn 4 lần so với năm 2015, nhờ các lô hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), loại khí có thể vận chuyển đến mọi nơi trên thế giới mà không cần đường ống.

Ông Trump cam kết đảo ngược các quy định về phê duyệt cơ sở xuất khẩu LNG của chính quyền Tổng thống Joe Biden, đồng thời đề xuất áp thuế nhập khẩu 10-20% đối với hàng hóa, đặc biệt từ các quốc gia như Trung Quốc và Mexico. Phần lớn LNG của Mỹ xuất khẩu đến các quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ, và do đó các đối tác thương mại này có khả năng trở thành mục tiêu của chính sách bảo hộ. Chẳng hạn, Hàn Quốc mua 6% LNG của Mỹ, Nhật Bản mua 7%, còn Trung Quốc, điểm đến của 4% xuất khẩu LNG năm ngoái, từng áp thuế đối với năng lượng Mỹ trong giai đoạn trả đũa thuế quan giữa hai nước vào năm 2018 và 2019.

Tuy nhiên, nguồn cơn tiềm tàng cho xung đột lần này chính là châu Âu, nơi tiếp nhận hơn một nửa lượng LNG xuất khẩu từ Mỹ trong năm qua, tăng mạnh so với dưới 25% năm 2021. Sau cuộc chiến Ukraine, châu Âu tìm cách giảm phụ thuộc năng lượng từ Nga, đồng thời đối mặt với áp lực giá năng lượng tăng cao.

Hiện tại, Mỹ đang chiếm lợi thế trong cuộc chiến khí đốt sắp tới. Ký ức về giá năng lượng tăng vọt năm 2022 và mong muốn giảm nhập khẩu từ Nga khiến các nhà hoạch định chính sách châu Âu khó có thể cứng rắn với ông Trump. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen từng gợi ý châu Âu có thể mua thêm LNG từ Mỹ để tránh thuế quan. Tuy nhiên, bức tranh này có thể thay đổi trong nhiệm kỳ của ông Trump, khi nguồn cung LNG toàn cầu, lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến đổ vào thị trường trong giai đoạn 2025-2028.

Ngoài các cơ sở xuất khẩu mới ở Mỹ, các nước như Canada, Qatar và châu Phi cũng gia nhập thị trường. Cùng lúc, nhu cầu khí đốt tại châu Âu dự báo giảm 11% từ năm 2023 đến 2030, theo Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính. Giá khí tự nhiên tại châu Âu có thể giảm từ 45 euro xuống 25 euro mỗi megawatt-giờ vào cuối năm 2026, làm giảm sức cạnh tranh của LNG Mỹ.

Nếu giá khí đốt giảm và châu Âu áp thuế trả đũa, các nhà cung cấp Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng mới. Một số nước đang phát triển như Ấn Độ có thể là lựa chọn tiềm năng. Tuy nhiên, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), LNG Mỹ cần mức giá 14 USD mỗi megawatt-giờ, tức chỉ bằng một nửa mức giá cần thiết để đảm bảo lợi nhuận từ các khoản đầu tư gần đây, để cạnh tranh được với than.

Nếu dư thừa khí đốt xảy ra, các cuộc chiến thương mại có thể cản trở một ngành xuất khẩu đầy triển vọng, gây thiệt hại không nhỏ cho những người ủng hộ chính sách năng lượng của ông Trump.

Có thể bạn quan tâm:

Điểm sáng giữa thách thức xã hội già hóa ở Trung Quốc

Nguồn The Economist