Không phải sức ép từ ông Trump, mà Trung Quốc là yếu tố tác động đến chính sách tiền tệ của Fed dưới thời ông Jerome Powell.

 
Tùng Lưu Thứ Năm | 07/02/2019 15:57

Khi chính sách tiền tệ của nước Mỹ được sản xuất tại Trung Quốc

Ông Powell từng giải thích về điều khiến ông lo lắng trong năm 2019 và ông muốn nói đến Trung Quốc.

Trung Quốc là mối lo thực sự

Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế số 2 thế giới bằng cách trở thành công xưởng của thế giới. Nhưng bây giờ, nước này dường như cũng đang góp phần "sản xuất" ra chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tác giả William Pesek của Nikkei Asian Review đã đưa ra quan điểm như vậy. Và điều này cũng là trùng hợp, khi mới ngày hôm qua, bà Yanet Yellen, cựu chủ tịch Fed cũng đưa ra quan điểm rằng ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới sẽ cắt giảm lãi suất nếu nền kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến xấu trong năm nay.

Có nhiều bằng chứng cho quan điểm của ông Pesek. Chủ tịch Jerome Powell đã chuyển sang trang thái “bồ câu” (dovish - ủng hộ lãi suất thấp) từ đầu tháng 1 một phần vì cảnh báo lợi nhuận của Apple. Nhưng yếu tố đằng sau lời cảnh báo của nhà sản xuất iPhone còn có sức nặng hơn.

"Nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại - nó đang làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng", ông Powell nói tại Washington vào ngày 10.1. "Chi tiêu bán lẻ yếu; mọi người đều đã xem tin tức của Apple."

Nhận xét của Powell được đưa ra khi ông giải thích về điều khiến ông lo lắng về năm 2019. Trung Quốc là điều ông muốn đề cập. Có lẽ chính điều này, chứ không phải là nhưng lời chỉ trích của ông Trump nhằm vào Fed, mới là lý do chính khiến cơ quan này dịu giọng hơn về việc nâng lãi suất.

Trong thực tế, Fed thực sự sẽ điên rồ khi bỏ qua thực tế rằng Trung Quốc là một quốc gia khổng lồ và đang phát triển trong quá trình điều hành của cơ quan này. Sự chậm lại của Trung Quốc đang làm giảm rủi ro lạm phát trên toàn cầu, nghĩa là đang giúp ích cho công việc của ông Powell. Ngoài ra, không có quan chức nào muốn bị đổ lỗi vì đã đánh sập nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Không có gì tốt khi một trong 2 nền kinh tế vào tình trạng khó khăn tài chính.

Rõ ràng, thuế quan của Trump là một biến số quan trọng thúc đẩy Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất hàng năm kể từ năm 1990. Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước 6,6% trong năm 2018, dường như trở nên yếu hơn các số liệu gần đây, bao gồm cả xuất khẩu, sản xuất và đầu tư đều cho thấy sự sụt giảm

 Tạm dừng tăng lãi suất là điều được giới đầu tư chào đón. Trước đó, Fed rõ ràng là có lý do để tăng lãi suất. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất lên thêm 0,75% vào năm ngoái - đưa lãi suất quỹ Liên bang vào khoảng 2,25%- 2,50% - đã gây ra một cơn bão tài chính ở châu Á. Ấn Độ, Indonesia và Philippines đều chứng kiến đồng tiền của mình rơi tự do. Và những nước này lại phải nâng lãi suất theo.

Khi chinh sach tien te cua nuoc My duoc san xuat tai Trung Quoc
Nguồn:Nikkei Asian Review

Ông Trump không giấu diếm mong muốn của mình về một đồng USD yếu hơn. Ông coi tỷ giá hối đoái là một phương tiện để phục hồi sản xuất của Mỹ. Ông Trump cũng muốn trừng phạt các quốc gia châu Á mà ông coi là ăn cắp công việc.

Dĩ nhiên, ông Trump luôn là một yếu tố gây ra biến động lớn. Bất kỳ động thái nào để tăng cường chiến tranh thương mại của ông sẽ khiến thị trường rơi vào tình trạng "rủi ro”. Nhưng Trung Quốc mới  là rủi ro thực sự. Nỗi lo về một cuộc hạ cánh cứng khiến Fed lo lắng, ngay cả trước khi ông Trump và ông Powell xuất hiện.

Fed sẽ khó lòng phớt lờ Trung Quốc thêm nữa

 Vào cuối năm 2015, khi Chủ tịch Fed lúc bấy giờ là Janet Yellen có động tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2006, thị trường Trung Quốc đã rung chuyển. Sự sụt giảm đồng Nhân dân tệ đã khiến Bắc Kinh bán khoảng 60 tỉ USD trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ mỗi tháng để ổn định tỷ giá hối đoái, gây ra khó khăn cho chính Fed trong việc bình thường hóa lãi suất.

Trong khoảng thời gian từ tháng 12-2015 đến tháng 12-2018, bà Yellen và ông Powell vẫn kiên quyết tăng lãi suất. Tuy  nhiên vào năm 2019, thật khó để Fed có thể phớt lờ tình hình kinh tế của Trung Quốc khi đưa ra các quyết định tiền tệ.

Sau "cú sốc Lehman" năm 2008, Fed và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã có những động thái tương tự nhau, đẩy thanh khoản vào thị trường. Việc Fed tăng lãi suất và các cuộc chiến thương mại của ông Trump hiện đang dần kết thúc mối quan hệ ấm cúng đó.

Người ta tự hỏi liệu Fed có nên bắt đầu yêu cầu một quan chức cấp cao của Trung Quốc tóm tắt cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ về các vết nứt kinh tế Trung Quốc nằm ở đâu không. Thật vậy, Fed có 12 chi nhánh trên nước Mỵ, tuy nhiên, Trung Quốc được cho là trở thành chi nhánh thứ 13 không chính thức dưới quyền của Fed. Nếu ông Trump mở rộng cuộc tấn công vào Bắc Kinh, lập luận về việc cắt giảm lãi suất của Fed sẽ ngày được ủng hộ.

Khi chinh sach tien te cua nuoc My duoc san xuat tai Trung Quoc
 

Làn sóng thu nhập từ thương mại ngày một giảm xuống đang khiến nền kinh tế lớn nhất châu Á dễ bị tổn thương hơn trước biến động vốn. Trung Quốc phải đối mặt rủi ro mất giá tiền tệ vào giữa năm 2014 và 2015, khi họ dành gần một phần tư dự trữ tiền tệ của mình để chiến đấu với các nhà đầu cơ. Bây giờ, Trung Quốc dễ bị tổn thương hơn nhiều.

Một Fed quá thiên về thắt chặt tiền tệ sẽ khiến Trung Quốc phải đối mặt với rủi ro thanh khoản, đe dọa bong bóng tín dụng của nước này, gây áp lực giảm đối với tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Á và đồng Nhân dân tệ. Những hiệu ứng này sẽ lại làm suy yếu đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ, điều mà ông Trump luôn tự hào là do ông tạo ra.

Tất nhiên, Apple chỉ là một ví dụ. Dù vậy, rất hiếm khi một nhà lãnh đạo Fed trích dẫn những rắc rối của một công ty trong các quyết định chính sách tiền tệ của mình. Nhưng mọi người đều biết mối quan tâm thực sự là Trung Quốc. Ông Powell từ đây trở đi vẫn sẽ luôn phải ngó sang Trung Quốc trước khi có những điều chỉnh về chính sách tiền tệ.