Chuối từ Nigeria cho bữa sáng, quả quinoa (diêm mạch) từ Peru cho bữa trưa và sushi từ Nhật Bản cho bữa tối. Cách đây 2 thế kỷ, khi David Ricardo tán thành sự chuyên môn hóa và thương mại tự do, chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy thật kỳ diệu khi nghĩ rằng rằng việc trao đổi hàng hóa và dịch vụ trên toàn thế giới có thể khiến một bữa ăn kiêng như mô tả ở trên trở nên phổ biến.
Ngày nay, một kịch bản tương tự có thể xảy ra: cơ quan chính phủ của Nauy điều hành quỹ đầu tư quốc gia của Algeria, cảnh sát Đức canh giữ an ninh trên các đường phố Mumbai và Dubai đóng vai trò là trụ sở tòa án của các nước Trung Đông. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi các chính phủ ngày càng trao đổi với nhau nhiều hơn với nhiều cấp độ, từ tư vấn luật sư cho tới quản lý dịch vụ hoàn toàn. Các chính phủ đang học theo doanh nghiệp - bộ phận vốn từ lâu đã tận dụng dịch vụ “thuê ngoài” (outsource). Liệu đây có phải là “buổi bình minh” của thời đại các chính phủ kinh doanh với nhau?
Mô hình giao dịch chính phủ - chính phủ (G2G) không phải là điều hoàn toàn mới, mặc dù cái tên G2G là một từ mới xuất hiện. Sau khi đế chế Ottoman vỡ nợ năm 1875, các chủ nợ nước ngoài đã thành lập “Ủy ban nợ công Ottoman” với thành viên là quan chức chính phủ các nước châu Âu. Vào thời kỳ đỉnh điểm, ủy ban này có tới 9.000 nhân viên – nhiều hơn cả số nhân viên của Bộ Tài chính của đế chế.
Ngày nay, Hội đồng cơ mật Hoàng gia Anh là tòa án tối cao của nhiều nước trong khối Thịnh vương chung (hay còn gọi là khối Liên hiệp Anh – Commonwealth). Trong khi đó, Pháp cung cấp dịch vụ về chính sách tài chính cho một vài quốc gia Tây Phi bằng cách quản lý tiền tệ của họ - đồng CFA franc Tây Phi (đơn vị tiền tệ chung của 8 nước Tây Phi sử dụng tiếng Pháp trong Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi).
Một lý do khiến các giao dịch G2G tăng lên là các chính phủ có xu hướng học hỏi chính sách từ nước khác. Theo Jamie Peck (đến từ ĐH British Columbia), giờ đây hoạch định chính sách thường diễn ra theo nghĩa tương đối và mô hình G2G giúp chính sách được triển khai rất nhanh. Từ cuối những năm 1990, chính sách hỗ trợ các gia đình nghèo bằng cách cho trẻ em tiêm chủng và hỗ trợ học phí của Mexico đã được gần 50 quốc gia khác “sao chép lại”.
Khi Trung Quốc nhận ra trong cuộc chạy đua tới Olympics Bắc Kinh 2008 rằng cần phải siết chặt quy định về an toàn bay, nước này có thể tìm kiếm những ví dụ tốt nhất và chỉnh sửa một chút sao cho phù hợp với hoàn cảnh. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã nhờ đến Cơ quan quản lý hàng không liên bang (FAA) viết luật mới và đào tạo phi công Trung Quốc. Hiện nay, FAA có văn phòng ở Bắc Kinh và Thượng Hải.
Năm 2010, Trinidad và Tobago quyết định số hóa hệ thống đăng ký xe máy và đã mua hệ thống này từ chính quyền Nova Scotia – một tỉnh của Canada. Mong muốn đẩy mạnh quá trình phát triển của các địa phương, Moldova vừa ký thỏa hợp tác với CIVI.POL Conseil – cơ quan trực thuộc Bộ Nội vụ Pháp.
Cắt giảm ngân sách cũng thúc đẩy giao dịch G2G bùng nổ. Mới đây, quân đội Hà Lan đã bán xe tăng Leopard II và gửi quân đội đến đào tạo với lực lượng quân đội Đức. Điều này cho phép Hà Lan cải cách đội quân xe tăng khi cần thiết.
Giải quyết tranh chấp là một phần sinh động của hoạt động G2G. Nước Anh đóng vai trò tòa án trọng tài xét xử tranh chấp của Arab Saudi, giúp xoa dịu nỗi lo lắng của nhà đầu tư về hệ thống pháp luật của quốc gia vùng vịnh. Tòa án ở Virgin Islands xét xử khá nhiều tranh chấp liên quan đến các liên doanh quốc tế.
Loại hình G2G phổ biến nhất là thỏa thuận ủy thác: chính phủ của một nước sẽ cung cấp dịch vụ công cho nước khác. Năm 2003, chính phủ Solomon lo ngại trước tình trạng bạo lực và đã thuê lực lượng gìn giữ hòa bình đa quốc gia của Úc đến thực thi nhiệm vụ. Cơ quan này mang đến hơn 2.000 binh lính và đã thành công.
Không ai có thể biết chính xác quy mô của thị trường G2G. Các chính phủ hiếm khi công bố các thương vụ, không chỉ bởi vì điều này đồng nghĩa với bộc lộ điểm yếu. Có khá nhiều trở ngại cho các giao dịch này và trở ngại lớn nhất là quan điểm về chủ quyền biên giới, đồng nghĩa với các quốc gia nên tự giải quyết vấn đề của mình và không nên can thiệp vào vấn đề của nước khác.
Năm 2004, Quốc hội Papua New Guinea đã thông qua thỏa thuận giống như ở Solomon, nhưng tầng lớp trí thức ở địa phương phản đối và cuối cùng điều này không được thực hiện.
Bộ phận phản đối băn khoăn về tính dân chủ và khả thi. Năm 2005, Công ước Paris về viện trợ - được xác nhận bởi các chính phủ và tổ chức viện trợ - cho rằng các quốc gia đang phát triển cần phải tự thiết kế chiến lược phát triển của riêng họ.
Lợi thế của các thành phố
Tuy nhiên, hợp tác ở cấp địa phương nhận được khá nhiều ưu ái và có ít rào cản hơn. Đô thị hóa quá nhanh gây ra vấn đề cho các thành phố. Năm 2009, dân số thành thị ở các quốc gia đang phát triển ở mức 2,5 tỷ người và con số được dự đoán sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Và, không giống như các nước quốc gia, các thành phố không có vấn đề chủ quyền lãnh thổ.
Singapore đang “xuất khẩu” công nghệ xây dựng đô thị. Công ty Singbridge đang giúp Trung Quốc xây dựng “thành phố tri thức” ở Quảng Châu bằng cách cung cấp các dịch vụ xã hội và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
C40 – nhóm gồm các siêu thành phố muốn cắt giảm lượng khí thải carbon – cũng là nơi để trao đổi chính sách. Trong khi các quốc gia gặp nhiều khó khăn để đồng thuận về các bước kiểm soát biến đổi khí hậu, các thành viên của nhóm C40 dễ dàng đi đến thỏa thuận.
Khi San Francisco quyết định sẽ lắp đặt hệ thống kiểm soát không dây cho hệ thống đèn đường, thành phố này đưa ra lời kêu gọi giải pháp trên Citymart – chợ điện tử cho các dự án cấp địa phương. Năm 2012, San Francisco tìm được một công ty của Thụy Sĩ.
Dịch vụ công ích yếu kém là lý do chính khiến các nước nghèo không thể đuổi kịp các nước giàu. Với mô hình G2G, điều này có thể được giải quyết. Thậm chí, một số học giả còn cho rằng điều này mang lại nhiều lợi ích hơn cả việc dỡ bỏ rào cản đối với hàng hóa và dịch vụ.
Từ lâu nay, các doanh nghiệp đã thực hiện outsource (kể cả đối với những hoạt động cốt lõi) nếu như tìm được đối tác thực hiện hoạt động đó tốt hơn. Đã đến lúc các chính phủ học tập điều này.
Nguồn CafeF