Du thuyền thám hiểm không phải là cách duy nhất để các nhà khoa học có thể đến được những điểm đến đó. Ảnh: Bloomberg.

 
Hải Miên Thứ Hai | 01/07/2024 17:37

Khi các siêu du thuyền được phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học

Du thuyền thám hiểm không phải là cách duy nhất để các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu, nhưng nhu cầu về tàu chuyên dụng vượt xa nguồn cung hiện có.

Trong gần hai năm, ông Robert Brewin đã thu thập dữ liệu từ phần mũi của một chiếc siêu du thuyền khi nó di chuyển trong vùng nước nguyên sơ từ Biển Caribe đến Nam Cực.

Archimedes, một chiếc du thuyền “phiêu lưu” dài 222 foot (68 mét) thuộc sở hữu của nhà đầu tư đầu tư quá cố James Simons, tự hào có phòng tập thể dục, bể sục và thang máy. Nhưng từ năm 2018 đến năm 2020, ông Brewin chỉ quan tâm đến Hệ thống nhắm mục tiêu theo dõi mặt trời của con thuyền, được lắp đặt để đo ánh sáng phản chiếu trên mặt nước. Là giảng viên cao cấp tại Đại học Exeter của Vương quốc Anh, ông Brewin và các đồng nghiệp đang phân tích vi sinh vật phù du, những sinh vật cực nhỏ ở đáy chuỗi thức ăn biển bằng cách nghiên cứu màu sắc của đại dương. 

Hành trình trên chiếc du thuyền của ông Brewin không phải là điều thường thấy, nhưng ông là một trong hàng trăm nhà khoa học đã sử dụng du thuyền mạo hiểm để tiến hành nghiên cứu trên đại dương. Trong một bài báo xuất bản vào tháng 1, ông Brewin và các đồng tác giả đã giới thiệu tiềm năng của việc “khai thác siêu du thuyền” cho khoa học, kết luận rằng “việc tiếp cận các nhà khoa học công dân giàu có có thể giúp lấp đầy những khoảng trống trong khả năng nghiên cứu”.

Đó là quan điểm được chia sẻ và được thúc đẩy bởi Câu lạc bộ Du thuyền Monaco và Câu lạc bộ thám hiểm, một tổ chức có trụ sở tại Thành phố New York tập trung vào khám phá và khoa học (trong đó, tiết lộ đầy đủ, tôi là thành viên). Vào tháng 3, các nhóm đã đồng tổ chức một hội nghị chuyên đề về môi trường, trong đó có lễ trao giải cho những chủ sở hữu du thuyền nổi bật vì cam kết bảo vệ môi trường biển. Archimedes đã giành được giải thưởng “Khoa học & Khám phá”.

Ông Rob McCallum, thành viên Câu lạc bộ Explorers kiêm người sáng lập tổ chức EYOS Expeditions, nơi tổ chức các chuyến du thuyền mạo hiểm có trụ sở tại Mỹ, cho biết: “Nếu một chiếc du thuyền hoạt động 365 ngày một năm, thay vì để nó ở trạng thái không hoạt động, sẽ tốt hơn nhiều nếu nó đóng góp tích cực thông qua khoa học và bảo tồn”. 

EYOS thuê du thuyền từ các chủ sở hữu tư nhân cho các chuyến du ngoạn và là thành viên sáng lập của Yachts for Science, một tổ chức bốn năm tuổi kết nối du thuyền tư nhân với các nhà khoa học cần thời gian trên biển. (Các thành viên khác bao gồm công ty đóng du thuyền Arksen, công ty truyền thông BOAT International và các tổ chức phi lợi nhuận Nekton Foundation và Ocean Family Foundation.) Ông McCallum cho biết Yachts for Science sẽ hỗ trợ khoảng 1 triệu USD thời gian trên du thuyền trong năm nay, một con số mà ông kỳ vọng sẽ đạt 15 triệu USD vào năm 2029.

Ông Tom Peterson, người đồng sở hữu một công ty bảo lãnh phát hành ở California, đã quyên góp khoảng 15 đến 20 ngày (một ngày trên tàu tương đương 8 tiếng đồng hồ) và nhiên liệu trên chiếc Valkyrie dài 24 mét cho các nhà khoa học, mỗi năm trong cả thập kỷ qua.

Để liên kết với các nhà khoa học, ông Peterson làm việc với Hiệp hội Người giữ biển Quốc tế, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Florida thu hút cộng đồng du thuyền tham gia hỗ trợ nghiên cứu và bảo tồn đại dương. Ông nói: “Chúng ta càng hiểu nhiều điều về đại dương nói chung thì về lâu dài chúng ta càng trở nên tốt hơn”.

 

Ông McCallum cho biết, những người sở hữu du thuyền phiêu lưu thường trẻ hơn so với chủ sở hữu siêu du thuyền thông thường và đặc biệt quan tâm đến những nơi xa xôi và nguyên sơ. Ông nói: "Họ không phải là kiểu người chỉ thích tụ tập ở Địa Trung Hải hay Caribe. Nam Cực, Bắc Cực, Ấn Độ Dương xa xôi, Thái Bình Dương xa xôi, các đảo cận Nam Cực... đó là nơi bạn sẽ tìm thấy chúng tôi cung cấp dịch vụ".

Du thuyền thám hiểm không phải là cách duy nhất để các nhà khoa học có thể đến được những điểm đến đó, nhưng nhu cầu về tàu nghiên cứu chuyên dụng vượt xa nguồn cung hiện có. Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), được cho là đơn vị thu thập dữ liệu hải dương học lớn nhất thế giới, có một đội tàu gồm 15 tàu nghiên cứu và khảo sát để các nhà khoa học sử dụng. Các nhà nghiên cứu học thuật cũng có thể nộp đơn xin sử dụng đội tàu này, thường với mức giá được trợ cấp. Nhưng các nhà khoa học yêu cầu khoảng 15.000 đến 20.000 ngày trên tàu mỗi năm. Theo một nghiên cứu nội bộ, vào năm 2019, NOAA chỉ có thể lấp đầy được 2.300 ngày trong số đó.

Có thể bạn quan tâm:

 Nhà đầu tư ngồi trên lửa khi kho bãi Trung Quốc đìu hiu

Nguồn Bloomberg