Nhiều người đã chết trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Myanmar. Ảnh: City A.M.
Khi các nhà đầu tư bỏ chạy khỏi Myanmar, một số công ty khởi nghiệp nhận thấy cơ hội
Một cuộc đảo chính quân sự gây chấn động và kinh hoàng. Một cuộc đình công trên khắp Myanmar đã đưa các thành phố của nước này vào bế tắc. Hàng trăm người biểu tình thiệt mạng, nhiều phần của Yangon được ví như một vùng chiến sự, theo Tech In Asia.
Trong bối cảnh khủng hoảng nhân đạo của Myanmar, các hoạt động kinh doanh đã tạm thời dừng lại. Thiệt hại đối với nền kinh tế Myanmar có thể kéo dài cả thế hệ, khi các nhà đầu tư trong cộng đồng khởi nghiệp dự định rời xa đất nước trong tương lai gần.
Thiệt hại đối với nền kinh tế Myanmar có thể kéo dài cả thế hệ. Ảnh: Wikimedia. |
Tuy nhiên, một số doanh nhân đã xem đây là cơ hội để thống trị thị trường sau cuộc đảo chính.
Vậy đâu là những thách thức mà các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp hiện đang phải đối mặt ở Myanmar. Và những tác động đối với nền công nghệ của nước này trong tương lai là gì?
Hàng loạt vấn đề nảy sinh
Hầu hết các nhà sáng lập và CEO của các công ty khởi nghiệp ở Myanmar đang phải đối mặt với vô số vấn đề trong một môi trường rất thách thức.
Thứ nhất, cơ sở hạ tầng cơ bản của đất nước, vốn được coi là đương nhiên ở bất kỳ nơi nào khác, đã bị phá vỡ. Việc truy cập internet thường xuyên bị mất kết nối một cách ngẫu nhiên, đôi khi hàng giờ, khiến hoạt động kinh doanh đặc biệt khó khăn đối với các startup công nghệ.
Ngay cả khi có internet, quyền truy cập vào Facebook cũng đã bị chặn. Điều này đặc biệt rắc rối ở một quốc gia như Myanmar, nơi nhiều doanh nghiệp nhỏ hoàn toàn phụ thuộc vào nền tảng truyền thông xã hội để giao tiếp và giao dịch với khách hàng.
Hoạt động ngân hàng cũng tạm dừng, gây khó khăn đối với việc cho hoặc nhận các khoản thanh toán từ nhân viên, khách hàng và nhà cung cấp.
Giám đốc điều hành và người sáng lập công ty khởi nghiệp JobNet Myanmar - ông Justin Sway nói rằng hiện “không có dịch vụ chuyển tiền quốc tế, không có máy đổi tiền và hầu hết các máy ATM đều trống rỗng”.
Thứ hai, các công ty khởi nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều thách thức về mặt con người.
Sự an toàn của nhân viên là tiêu chí hàng đầu của mọi nhà sáng lập. Đồng sáng lập Michael Blakey của quỹ Cocoon Capital Singapore chia sẻ rằng: “Vấn đề duy nhất mà họ nêu ra là liệu tất cả các nhân viên và người sáng lập có an toàn hay không. Và họ đang thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa có thể để đảm bảo không ai bị thương, nếu cần là thoát ra khỏi Myanmar”.
Theo ông Justin Sway, vấn đề nguồn nhân lực lớn nhất nảy sinh từ việc mọi người cảm thấy rằng “tương lai của họ đang gặp nguy hiểm. Vì vậy, sự sẵn sàng làm việc hoặc thậm chí tin tưởng vào tương lai rất hạn chế. Điều này là thách thức rất lớn đối với tất cả mọi người.
Đầu tư đóng băng, chảy máu chất xám
Sự bất ổn chính trị và kinh tế do cuộc đảo chính gây ra là trở ngại lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư Michael Blakey cho rằng: sự bất ổn này là nỗi lo lớn nhất của ông.
“Cho đến khi mọi thứ lắng xuống, cho đến khi có thứ gì đó phù hợp với người dân, tôi không nghĩ chúng tôi có thể đầu tư trực tiếp vào Myanmar”, ông Michael Blakey khẳng định.
Điều này gây khó khăn cho các công ty khởi nghiệp của Myanmar, vì nhiều công ty vẫn dựa vào nguồn tài trợ bên ngoài để tiếp tục hoạt động.
Một hậu quả khác có thể xảy ra của sự bất ổn này là chảy máu chất xám, khi những người sáng lập tài năng gốc Myanmar quyết định chuyển công tác. Thực tế là nếu họ cần huy động vốn, có thể họ cần phải rời đi. Các công ty sẽ dịch chuyển ra khỏi đất nước, thiết lập cửa hàng ở Việt Nam, Thái Lan, hoặc thậm chí Singapore, rồi sau đó Myanmar có thể sẽ là một trong những thị trường mà họ quay trở lại khi mọi thứ ổn định.
Tuy nhiên, nếu chính quyền quân đội được thiết lập, rất có thể nhiều người dân địa phương, người hồi hương và người nước ngoài sẽ rời đi. Điều đó sẽ tác động lớn đến nền kinh tế và mọi doanh nghiệp.
Giữa sự u ám, khó có dấu hiệu lạc quan
Khi được hỏi liệu có thể có viễn cảnh lạc quan cho việc đầu tư vào Myanmar hay không, nhà đầu tư Michael Blakey thẳng thắn: “Hiện tại là không”.
Đánh giá của ông Justin Sway cũng ảm đạm không kém: “Đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ không xảy ra trong một thời gian nữa”.
Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư và doanh nghiệp nào cũng có chung quan điểm.
Cuộc sống vẫn tiếp diễn
Tại một số thời điểm, các doanh nghiệp cung cấp những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống dân sự bình thường sẽ phải hoạt động trở lại. Khi điều đó xảy ra, các công ty đứng ngoài cuộc sẽ bị giảm sức cạnh tranh. Đây có thể là những công ty khởi nghiệp đã có lãi hoặc có nguồn vốn dồi dào, còn không họ buộc phải tạm ngừng các dịch vụ của mình tại nước này.
Các công ty công nghệ cũng có thể “hưởng lợi” khi họ phục vụ người tiêu dùng hoặc các công ty quốc tế trong các lĩnh vực không liên kết với quân đội Myanmar.
Cuộc đảo chính quân sự đang diễn ra và bạo lực sau đó là một mối liên hệ nghiệt ngã cho câu chuyện của đất nước với 54 triệu dân này.
Có thể bạn quan tâm:
► Giao dịch thương mại và thanh toán tiền lương đang bị tê liệt ở Myanmar