Thứ Bảy | 22/02/2014 13:47

Khai mạc hội nghị G20: Áp lực đè nặng lên các quốc gia mới nổi

Đây là cuộc họp đầu tiên của nhóm G20 sau khi quyết định cắt giảm chính sách nới lỏng tiền tệ của Fed bắt đầu được đưa ra cuối năm ngoái.
Cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc các ngân hàng trung ương của nhóm nước G20 đã chính thức bắt đầu vào hôm nay ngày 22/2 tại Sydney, Australia. Đây là cuộc họp được kì vọng có thể mang đến "kết quả thực sự", với những mục tiêu "thực tế" thông qua sự tăng cường hợp tác bất chấp những biến động đang diễn ra trên thị trường.

Tại cuộc họp của G20, "có một ý định thực sự để đạt đến những kết quả thực", Bộ trưởng Tài chính Australia Joe Hockey cho biết.

"Tôi đã nói với tất cả các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương về sự tăng cường hợp tác, bao gồm các mục tiêu thực tế và đặc biệt là một quá trình để đạt được những mục tiêu đó. Chúng tôi có thể đạt được kết quả vào cuối tuần này, dù cho vẫn còn một số khó khăn hiện diện do sự biến động trên thị trường quốc tế".

Cuộc nhóm họp của G20 được diễn ra trong bối cảnh nhiều nền kinh tế mới nổi đang lo ngại về tác dụng phụ, đặc biệt là đối với đồng tiền của quốc gia do quá trình cắt giảm dần chương trình nới lỏng định lượng lần 3 (QE3) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu từ cuối năm ngoái đến nay.

Cuối tháng 1 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI), ông Raghuram Rajan đã kì vọng rằng: "Mỹ cần quan tâm đến những ảnh hưởng của chính sách của họ đến phần còn lại của thế giới".

Việc giảm lượng tài sản mua sắm hàng tháng của Fed và kì vọng lãi suất tăng tại Mỹ đang khuyến khích dòng vốn rút khỏi các quốc gia mới nổi quay trở lại Mỹ, qua đó gây ra áp lực đến chính sách tiền tệ của các quốc gia như Nam Phi, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Nga. Đồng rupee Ấn Độ đã từng chịu một trong những lần giảm giá mạnh nhất lịch sử sau khi Fed phát tín hiệu có thể bắt đầu giảm QE3 vào mùa hè năm ngoái.

Tuy nhiên, các quốc gia như Mỹ, Anh và những quốc gia giàu có những ngày tới để kêu gọi các quốc gia mới nổi "chỉnh đốn lại" các chính sách của mình.

Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra lời kêu gọi Australia giúp đỡ nhóm G20 cải tổ tài chính, đồng thời cảnh báo rủi ro do Fed rút kích thích quá nhanh và các ngân hàng trung ương tại châu Âu và Nhật Bản tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.

Bộ trưởng Tài chính Australia phát biểu: "Chúng ta cần nhắm tới một khẩu hiệu không gây bất ngờ" đối với những chính sách tiền tệ và ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, phải ngăn chặn một cách hợp lý các quyết định trong tương lai có thể gây ra những biến động trên thị trường". Trong khi đó, 3 Bộ trưởng Tài chính của Brazil, Mexico và Argentina vắng mặt tại cuộc họp lần này do phải giải quyết các vấn đề trong nước.

Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm G20 bắt đầu diễn ra tại Sydney trong hai ngày 22-23/2, sẽ quyết định mục tiêu tăng trưởng kinh tế thích hợp để thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, mục tiêu thống nhất chính sách tiền tệ được đặt ra trong bối cảnh sự thay đổi chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn như Mỹ đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến các thị trường mới nổi, đặc biệt tại Ấn Độ, Nga, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi.

Nguồn AFP/Dân Việt


Sự kiện