Thứ Tư | 15/08/2012 08:57

Khả năng eurozone sụp đổ đánh động nhà đầu tư

Các ngân hàng, nhà đầu tư và công ty đang dốc sức chuẩn bị trước tình huống khu vực đồng euro (eurozone) tan vỡ.
Tâm trạng giận dữ ngày càng tăng ở cả các nước cho vay và đi vay, và ở những nước có thể nhanh chóng tham gia hàng ngũ của họ. Trên các thị trường tài chính, những tranh cãi chính trị về cách thức giải quyết khủng hoảng chủ yếu đạt được một điều: tăng thêm nỗi lo eurozone sụp đổ.

Giảm cho vay liên ngân hàng

Hệ thống ngân hàng đặc biệt lo lắng. Dòng tiền chảy qua các biên giới cạn dần do các ngân hàng e ngại gánh nợ. Theo ECB, cho vay giữa các ngân hàng khu vực euro giảm đều, nhất là từ mùa hè 2011. Hồi tháng 6, giao dịch liên ngân hàng xuống mức thấp nhất kể từ khi bùng nổ khủng hoảng tài chính năm 2007.

Ngoài giảm cho vay các thể chế tài chính trong những nước châu Âu khác, các ngân hàng thậm chí còn cắt đứt giao dịch với chi nhánh nước ngoài. Commerzbank và Deutsche Bank thà nhìn thấy các chi nhánh ở Tây Ban Nha và Ý nhờ đến quỹ ECB hơn là thu xếp tài trợ, trong khi vẫn gửi phần vốn thặng dư vào tài khoản ở ngân hàng trung ương. Họ đang chuẩn bị trước khả năng là các nước miền Nam châu Âu sẽ khôi phục đồng tiền riêng và giảm mạnh giá trị của nó.

Kể từ đỉnh điểm cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, uỷ ban EU đã gây áp lực buộc các ngân hàng châu Âu giảm hoạt động kinh doanh, chủ yếu ở nước ngoài, trong một nỗ lực nhằm củng cố vốn cơ bản. Ngoài ra, bộ phận kiểm soát đã đưa ra những hạn định nghiêm ngặt đối với dòng tiền giữa các thể chế tài chính. Cơ quan Giám sát tài chính Liên bang của Đức (BaFin) yêu cầu HypoVereinsbank phải giữ tiền ở Đức và BaFin buộc phải can thiệp khi Unicredit ở Milan, ngân hàng mẹ của HypoVereinsbank, yêu cầu chuyển quá nhiều tiền từ chi nhánh Đức sang Ý.

Ngân hàng Unicredit luôn tự hào là một thể chế liên - Âu thực sự, giờ đây đồng ý cấp nhiều đặc quyền cho các chi nhánh địa phương và hưởng lợi ít hơn. Các giám đốc cấp cao của ngân hàng thừa nhận rằng, nếu tình hình căng hơn, có thể nhanh chóng bán hạ giá riêng từng phần trong tập đoàn.

Theo Thomas Mayer, cựu kinh tế trưởng tại Deutsche Bank: "Do dòng vốn tư nhân không còn chảy nữa, các ngân hàng trung ương đang lấp lỗ hổng. Rủi ro sụp đổ đồng tiền chung đã chuyển sang cho người đóng thuế. Về lâu dài, liên minh tiền tệ không thể duy trì nếu không có các nhà đầu tư tư nhân, bởi vì nó sẽ chỉ tiếp tục hoạt động giả tạo".

Thay đổi điểm đầu tư
Nỗi lo đồng euro không chỉ dành riêng cho các ngân hàng. Đầu tuần rồi, tập đoàn dầu khí Shell với quỹ dự trữ tiền mặt trên 17 tỉ USD, bày tỏ ý định đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ hay giữ trong các tài khoản ngân hàng Mỹ hơn là chịu rủi ro ở châu Âu.

Một lượng lớn các nhà đầu tư, từ các nhà đầu tư nhỏ của Đức đến công ty bảo hiểm và các quỹ phòng hộ của Mỹ, đang tìm cách tự vệ trước tình huống sụp đổ EU - hay thậm chí là hưởng lợi từ đó. Tình hình này được thể hiện qua dòng vốn chảy giữa miền Nam và miền Bắc châu Âu, nhanh chóng đẩy giá bất động sản ở Đức lên và giảm lãi suất 0% cho trái phiếu công của Đức.

Các nhà đầu tư giờ đây chủ yếu đổ vốn vào tài sản hữu hình như là bất động sản. Sự phục hồi giá cổ phiếu những tuần lễ vừa qua cũng có thể giải thích là dòng vốn đổ vào bất động sản. Đặc biệt gần đây, những khoản đầu tư lớn vào trái phiếu công của Đức, cho dù với kỳ hạn ngắn chúng không đem lại lợi nhuận, chỉ là các nhà đầu tư đang tìm kiếm một kênh an toàn, đồng thời, họ cho rằng trái phiếu này sẽ có giá nếu đồng euro thực sự tan rã.

Chọn lựa cơ bản nhất để tự vệ khi euro sụp đổ là rút hoàn toàn khỏi khu vực đồng tiền chung. Xu hướng hiện tại chưa đến mức một khối lượng vốn lớn bốc hơi khỏi khu vực. Hồi tháng 5, nhiều khoản đầu tư trực tiếp và đầu tư chứng khoán thực tế còn chảy vào châu Âu nhiều hơn ra ngoài. Tuy nhiên, dòng chảy này không bù đắp nổi dòng vốn chảy ra trong khoảng thời gian rối ren cuối năm rồi, đến trên 140 tỉ euro.

Tỷ giá ngoại hối của đồng euro chỉ phản ánh phần nào lo ngại nhà đầu tư ghim giữ đồng tiền. Đồng tiền chủ yếu thay thế đồng euro là đôla Mỹ tương đối không hấp dẫn những nhà đầu tư lớn ở châu Á và các khu vực khác. Giám đốc ngân hàng đầu tư Frankfurt, ví von: "Mọi người đang tìm kiếm cái ít tệ hơn trong hai điều xấu".

Nguồn Sài Gòn tiếp thị


Sự kiện