Thứ Ba | 07/05/2013 19:29

Keynes, Tobin và câu chuyện thuế giao dịch tài chính tại châu Âu

Năm 2014, thuế giao dịch tài chính mới được thi hành tại 11 nước EU nhưng ngay từ giờ, những tác động của chính sách mới đã có thể được lường trước.

Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố kế hoạch đẩy nhanh triển khai thuế giao dịch tài chính (FTT) sau khi đã đạt được sự nhất trí từ 11 nước liên minh châu Âu hồi tháng 1, bao gồm Đức, Pháp, Áo, Bỉ, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Slovenia, Italia, Tây Ban Nha và Estonia. Các nhà lãnh đạo EC dự kiến bắt đầu từ năm 2014 sẽ tiến hành đánh thuế 0,1% đối với các giao dịch cổ phiếu và trái phiếu, riêng đối với các giao dịch chứng khoán phái sinh là 0,01%.

Thực ra, đề xuất thuế giao dịch tài chính không phải do các nhà hoạch định chính sách châu Âu tự nghĩ ra, mà ý tưởng này được bắt nguồn từ người được mệnh danh là “cha đẻ” của kinh tế học vĩ mô John Maynard Keynes.

Trong những năm dài của Đại suy thoái (1929-1933), Keynes cho rằng các tài sản tài chính gây nên sự bất ổn định, trong khi lĩnh vực tài chính không phải ngành sản xuất vật chất cụ thể. Ông đưa ra gợi ý, đánh một tỷ lệ thuế đủ nhỏ để không làm ảnh hưởng đến đầu tư tài chính dài hạn. Tác động chủ yếu của chính sách là hạn chế các nhà đầu cơ ngắn hạn và khuyến khích vốn phục vụ nhiều hơn cho đầu vào của nền sản xuất vật chất cụ thể mà Keynes gọi là “nền kinh tế thực”.

Đến năm 1972, người đầu tiên nâng tầm ý tưởng của Keynes trở thành đề xuất thuế chính thức là nhà kinh tế học người Mỹ James Tobin, ông từng đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1981. Chính vì vậy, thuế giao dịch tài chính còn được gọi là thuế Tobin.

John Maynard Keynes và James Tobin là hai nhà kinh tế học khơi nguồn cho thuế giao dịch tài chính.

Mục tiêu đề ra của thuế Tobin là nhằm giới hạn các hoạt động đầu cơ, qua đó giảm bớt mức độ rủi ro trên thị trường tài chính và hỗ trợ phát triển cho các nước nghèo.

Bài học kinh nghiệm từ Thụy Điển

Nhìn về lịch sử để thấy thuế giao dịch đã từng được áp dụng tại Thụy Điển, ban đầu mức thuế chỉ 1% (năm 1984), sau đó tăng lên 2% (năm 1986). Luật thuế không đem lại nhiều tác dụng ở mức 1% nhưng lại tăng đáng kể trong năm 1986 khi tăng mức thuế giao dịch lên 2%. Tiền lệ của Thụy Điển giúp EC có cơ sở hơn trong việc đề xuất mức thuế giao dịch rất thấp, chưa đến 1%.

Quay lại câu chuyện đang diễn ra tại châu Âu. Thuế giao dịch tài chính (FTT) lần đầu tiên được Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất vào năm 2011. Kế hoạch ban đầu tham vọng áp dụng FTT cho toàn bộ 27 thành viên EU nhưng bất thành. Theo kết quả cuộc họp trong tháng 1/2013, chỉ có 11 nước EU thông qua và Anh thì kiên quyết phản đối. London, tại nơi thị trường tài chính sôi động nhất, nếu giao dịch tài chính bị đánh thuế dù là rất nhỏ cũng sẽ gây cơn chấn động lớn.

Thủ tướng Anh David Cameron bày tỏ sự lo ngại nếu thuế giao dịch tài chính được áp dụng cho toàn bộ 27 nước thành viên EU, các ngân hàng cũng như thể chế tài chính đang hoạt động tại London sẽ di dời sang các nước khác như Thụy Sĩ hay Trung Quốc để tránh thuế này.

Tác động cđến các ngân hàng châu Âu

Các nhà phân tích của Citigroup chỉ ra rằng hệ thống ngân hàng tại 11 quốc gia tham gia FTT đã vay số tiền 326 tỷ USD từ các quỹ trên thị trường tiền tệ Mỹ, phần lớn thông qua hợp đồng mua lại (repo). Chi phí vay qua đêm bằng repo thường là rất thấp, khoảng 0,15%/năm. Tuy nhiên, việc thi hành thuế giao dịch tài chính 0,1%/ngày, sẽ đẩy lãi suất vay qua đêm lên 22%/năm. Nguy cơ “1000 tỷ euro (1300 tỷ USD) sẽ rời khỏi thị trường cho vay qua đêm, trừ khi có một cách giải quyết khác được tìm thấy", các nhà phân tích của Citigroup nhận định.

Ngân hàng lớn châu Âu như Deutsche Bank hay BNP Paribas sẽ phải cạnh tranh gay gắt với ngân hàng không phải chịu thuế giao dịch tài chính.
Ngân hàng lớn châu Âu như Deutsche Bank hay BNP Paribas sẽ phải cạnh tranh gay gắt với ngân hàng không phải chịu thuế giao dịch tài chính.
Vấn đề của các ngân hàng lớn tại châu Âu còn lớn hơn nhiều. Deutsche Bank hay BNP Paribas chắc chắn phải đối mặt với cuộc cạnh tranh từ những ngân hàng không bị đánh thuế. Hoạt động mua bán cổ phiếu của các ngân hàng luôn rất sôi động, nhất là tại thị trường London. Tuy nhiên ngay tại những nước không áp dụng thuế giao dịch tài chính, các chi nhánh ở nước ngoài của các ngân hàng này cũng có thể phải chịu thuế.

Sự đánh đổi của chính phủ

Phạm vi điều chỉnh của thuế giao dịch tài chính không loại trừ trường hợp của trái phiếu chính phủ, công cụ vay nợ chủ yếu của mọi chính phủ. Nhiều khả năng chi phí đi vay của 11 nước thông qua FTT sẽ tăng trong năm tới (năm 2014) trong bối cảnh nhu cầu vay mượn của các chính phủ chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, nhất là Hy Lạp, Tây Ban Nha và Slovenia. Chi phí tăng làm tăng thách thức đối với khả năng trả nợ trong tương lai và liệu bóng ma nợ công có một lần nữa quay trở lại?

Chính phủ phải đánh đổi giữa chi phí vay nợ tăng và cải thiện thu ngân sách từ thuế.

Đánh đổi lại, nền tài chính khu vực đã từng chịu hậu quả nặng nề sau cuộc khủng hoảng năm 2008 sẽ ổn định hơn, hoạt động đầu cơ ngắn hạn được hạn chế. Thị trường tài chính sẽ đón nhận những luồng vốn mới, khỏe mạnh hơn và hoạt động sản xuất cũng có thêm vốn đầu vào do hiện tượng thoái lui đầu cơ ngắn hạn. Chi tiết không kém phần quan trọng, nguồn thu ngân sách từ loại thuế này có thể lên đến hàng chục tỷ euro (ước tính khoảng 75 tỷ euro) mỗi năm.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện