Thứ Tư | 24/10/2012 10:34

Kết quả tranh luận ít làm thay đổi thái độ cử tri Mỹ

Khoảng một nửa cử tri Mỹ nói rằng kết quả cuộc tranh luận cuối cùng giữa ông Obama và Romney không làm thay đổi quyết định của họ.
Mặc dù hầu hết các kết quả thăm dò đều cho thấy một đánh giá chung là ứng cử viên đảng Dân chủ, đương kim tổng thống Barack Obama đã nổi lên trở thành người thắng điểm trong cuộc tranh luận thứ ba và cũng là cuộc tranh luận cuối cùng vào tối 22/10, nhưng có khoảng một nửa cử tri nói rằng kết quả cuộc tranh luận cuối cùng không làm thay đổi quyết định của họ. Tỷ lệ cử tri háo hức với từng ứng cử viên hiện cũng ở mức ngang bằng nhau.

Kết quả thăm dò của CNN và CBS News cho thấy có 48% và 53% cử tri được phỏng vấn qua điện thoại nói rằng tổng thống Obama đã chiến thắng trong cuộc tranh luận cuối cùng so với 40% và 23% dành phần thưởng này cho đối thủ Cộng hòa, cựu thống đốc Mitt Romney.

Tuy nhiên, cũng theo thăm dò của CNN, có khoảng 50% cử tri nói rằng kết quả cuộc tranh luận cuối cùng về chủ đề đối ngoại và an ninh không làm thay đổi quyết định của họ.

Sau cuộc tranh luận, có 24% cử tri nói rằng họ háo hức hơn với việc đi bỏ phiếu ủng hộ ông Obama tái cử nhiệm kỳ hai so với 25% có tâm lý này trong việc lựa chọn ông Romney vào ghế ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng.

Cả hai ứng cử viên đều nhận được sự tín nhiệm cao hơn về năng lực xử lý các cuộc khủng hoảng quốc tế, trong đó sự ủng hộ dành cho ông Obama cao hơn. Với câu hỏi, ai là người đủ năng lực xử lý các vấn đề đối ngoại của nước Mỹ, sự ủng hộ dành cho đương kim tổng thống tăng từ 58% lên 71%, trong khi sự hậu thuẫn dành cho vị cựu thống đốc 65 tuổi tăng từ 46% lên 49%.

Ông Obama dẫn ông Romney với tỷ lệ 64%-36% về năng lực chống khủng bố và các vấn đề an ninh quốc gia trong khi cả hai ứng cử viên đều nhận được sự tín nhiệm 50% trong việc xử lý mối quan hệ với một nước Trung Quốc đang ngày càng hùng mạnh.

Cùng ngày, thăm dò của Viện Gallup cho biết cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại tối 22/10 dù quan trọng, nhưng yếu tố quyết định nhất tới lá phiếu của cử tri trong ngày bỏ phiếu 6/11 tới là kinh tế chứ không phải các phương án đối phó với tham vọng hạt nhân của Iran, hay biện pháp an ninh nào là hiệu quả nhất để bảo đảm an toàn cho các phái bộ ngoại giao Mỹ ở nước ngoài sau vụ người biểu tình Libya sát hại đại sứ và ba nhân viên ngoại giao của Mỹ.

Với tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm từ 3,0% trong quý IV/2011 lần lượt xuống 2% và 1,3% trong hai quý đầu năm nay, và với tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao 8%, có gần 2/3 cử tri Mỹ nói rằng yếu tố kinh tế tác động mạnh nhất tới sự lựa chọn của họ trong năm 2012, trong đó 64% cử tri nữ và 62% cử tri nam giới quan tâm hơn tới vấn đề việc làm.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện