Thứ Năm | 04/07/2013 14:12

Kênh đào Suez không gián đoạn do đảo chính Ai Cập

Hoạt động của các tàu thương mại kênh đào Suez không hề bị gián đoạn, ngay cả khi quân đội Ai Cập lật đổ tổng thống Mohamed Mursi.
Trong những ngày qua, bất chấp tình hình bất ổn chính trị và bạo động liên tiếp tại Ai Cập, kênh đào Suez, tuyến đường biển quan trọng nối liền biển Đỏ và Địa Trung Hải, vẫn tiếp tục mở cửa cho các chuyến tàu thương mại. Kênh đào Suez hiện là nơi vận chuyển khoảng 4,5% nguồn cung dầu toàn cầu.

Người đứng đầu cơ quan phụ trách kênh đào Suez, ông Mohab Mohamed Hussien Mameesh, cho biết quân đội và hải quân Ai Cập đã tăng cường tuần tra 190km kênh đào trong suốt một tuần qua. Ông khẳng định hoạt động vận chuyển qua kênh đào Suez là an toàn và hoạt động hàng hải của Ai Cập vẫn diễn ra bình thường.

Kể từ tháng 1/2011, khi các cuộc biểu tình chống chính quyền tổng thống Horsi Mubarak nổ ra, nguy cơ kênh đào Suez bị đóng cửa là một trong những lo ngại lớn nhất của quân đội Mỹ. Trong tuần qua, trước tình trạng bạo lực gia tăng ở Ai Cập, nhiều người lo ngại hoạt động vận chuyển, thậm chí các tàu chở hàng, có thể bị phá hoại bởi phe đối lập hoặc những người ủng hộ tổng thống vừa bị lật đổ Mohamed Mursi.

Kênh đào Suez

Một khi kênh đào này bị đóng cửa, hoạt động vận chuyển dầu thô sẽ bị gián đoạn, dẫn tới khủng hoảng nguồn cung dầu, đẩy giá dầu thế giới tăng cao.

Mặc dù đã tăng cường an ninh xung quanh kênh đào Suez, song giá dầu thô thế giới trong tuần qua vẫn tăng khá cao. Giá dầu thô kỳ hạn tại Mỹ tuần qua vượt mốc 100 USD/thùng, cao nhất 14 tháng.

Bên cạnh đó, kênh đào Suez nếu bị đóng cửa cũng sẽ là mối đe dọa lớn đối với kinh tế Ai Cập. Theo thống kê, mỗi năm kênh đào Suez mang lại cho chính phủ Ai Cập khoảng 5 tỷ USD, chủ yếu từ các khoản phí mà các tàu thuyền qua lại phải nộp, đủ sức duy trì nền kinh tế ốm yếu của Ai Cập trong bối cảnh du lịch giảm sút và dự trữ ngoại tệ sụt giảm.

Ngày 26/7 tới đây đánh dấu kỷ niệm 57 năm "cuộc khủng hoảng kênh đào Suez". Năm 1956, tổng thống Ai Cập Gamal Abdul Nasser ra lệnh cho quân đội kiểm soát và quốc hữu hóa kênh đào này. Mặc dù nằm dưới quyền kiểm soát của Ai Cập, song các quốc gia liên quan đã ký hiệp ước quốc tế quy định kênh đào Suez sẽ liên tục hoạt động bất chấp chiến tranh hay hòa bình.

Nguồn CNBC/Dân Việt


Sự kiện