Kế sách tồn tại của “đế chế” tài chính hơn 200 tuổi Citigroup
Trong một thị trường tài chính biến động khó lường, cạnh tranh khốc liệt cùng nhiều cạm bẫy rủi ro, “đế chế” Citigroup với hơn 200 năm tồn tại và phát triển có thể tự hào khi đang là ngân hàng lớn thứ ba về giá trị tài sản của Mỹ - một trong những trung tâm tài chính và ngân hàng hàng đầu thế giới.
Dù vậy, trong bối cảnh nhà đầu tư và khách hàng đang mất dần lòng tin vào các “đại gia” tài chính ngân hàng toàn cầu trước những cáo buộc vi phạm nguyên tắc hoạt động, bên cạnh sự cạnh tranh ngày càng lớn từ các đối thủ trong ngành, Citigroup sẽ phải làm gì để giữ vững vị thế của mình?
Ngược dòng lịch sử, “đế chế” Citigroup Inc ra đời từ một thương vụ sáp nhập có giá trị lớn nhất từ trước đến nay, với sự kết hợp ngân hàng Citicorp và tập đoàn tài chính Travelers Group vào tháng 10/1998. Trước khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Citigroup là tập đoàn ngân hàng lớn nhất thế giới về giá trị tài sản với 357.000 nhân viên.
Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế đẩy Citigroup ngấp nghé bờ vực phá sản và sau đó phải nhờ tới gói kích cầu khổng lồ của Chính phủ Mỹ vào tháng 11/2008 để thoát nạn. Năm 2010 đánh dấu năm đầu tiên Citigroup làm ăn có lãi trở lại kể từ năm 2007, với lợi nhuận ròng đạt gần 11 tỷ USD, sau khi lỗ gần 2 tỷ USD năm 2009.
Thách thức hiện tại
Citigroup hiện có chi nhánh hoạt động ở 101 quốc gia, và xử lý các giao dịch trị giá 3.000 tỷ USD mỗi ngày. Khách hàng nước ngoài chiếm hơn 50% số tài khoản tiền gửi của Citigroup. Các hoạt động ở nước ngoài đóng góp 60% doanh thu của Citigroup và 2/3 trong số đó đến từ các thị trường mới nổi.
Mạng lưới hoạt động rộng khắp thị trường quốc tế luôn là một thế mạnh song cũng là nhân tố tiềm ẩn rủi ro lớn nhất của Citigroup. Ví dụ, chi nhánh ngân hàng Banamex tại Mexico, từng là đơn vị có mức lợi nhuận cao nhất của ngân hàng này, nhưng lại bị thiệt hại 360 triệu USD do hành vi gian lận tài chính vào năm 2013.
Trong khi đó, những rủi ro đến với các tập đoàn đa quốc gia khổng lồ như Citigroup ngày càng nhiều. Sau khi các cuộc điều tra về hoạt động tín dụng thế chấp dưới chuẩn tại Mỹ trước khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 bắt đầu lắng xuống, thì Citigroup lại phải đối mặt với những vụ điều tra và án phạt do liên quan đến hành vi thao túng lãi suất, lũng đoạn thị trường ngoại hối, và giúp khách hàng rửa tiền và trốn thuế.
Chi nhánh Citibank tại Argentina của Citigroup cũng lâm vào “thế khó” liên quan đến vụ kiện giữa Chính phủ Argentina với một số quỹ đầu tư của Mỹ. Thậm chí, Argentina đã quyết định đình chỉ tạm thời hoạt động của Citibank trên thị trường vốn nước này, đồng thời giám sát hoạt động tại thủ đô Buenos Aires nhằm đảm bảo Citibank tuân thủ luật pháp nước sở tại.
Ngoài ra, các thể chế tài chính lớn ngày nay không những phải chịu trách nhiệm cho sự yếu kém về quản lý và điều hành, mà còn phải chịu phạt vì hành vi vi phạm của khách hàng như rửa tiền hay tài trợ khủng bố. Các ngân hàng có nhiều chi nhánh trên thế giới như Citigroup thường phải đối mặt với các quy định cao hơn về vốn và sự chồng chéo về quy định pháp lý, khiến họ đánh mất nhiều lợi thế cả ở thị trường nội địa và nước ngoài.
Lùi một bước,...
Trước tình trạng trên, Giám đốc điều hành (CEO) Citigroup Michael Corbat đã quyết định áp dụng “kế sách” thu hẹp quy mô và đơn giản hóa hoạt động. Số lượng nhân viên của Citi đã giảm hơn 1/3 kể từ năm 2007 xuống còn 241.000 người, và sẽ tiếp tục được tinh giản.
Citigroup cũng thu hẹp hoạt động kinh doanh ở Trung Đông và Mỹ Latinh, những nơi có nhiều nguy cơ xảy ra hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố. Bên cạnh đó, Citigroup đã bán 60 doanh nghiệp trực thuộc hoạt động trong nhiều ngành, mảng khác nhau kể từ năm 2008.
Đáng chú ý, dịch vụ ngân hàng bán lẻ của Citigroup là lĩnh vực kinh doanh thu hẹp mạng lưới hoạt động nhiều nhất, từ 50 nước xuống còn 24 nước đối với thị trường nước ngoài, và từ 14 thành phố xuống còn bảy thành phố đối với thị trường trong nước.
Hồi tháng Ba, Citigroup đã vượt qua giai đoạn một của bài sát hạch hàng năm về khả năng ứng phó với khủng hoảng kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), mà họ đã bị trượt trong hai năm 2012 và 2014. Tiếp đó, đến tháng 4/2015, Citigroup thông báo lợi nhuận quý 1 đạt gần 4 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ hoạt động kinh doanh và đầu tư vượt dự báo của giới phân tích tài chính phố Wall.
Theo các chuyên gia, doanh thu cao kỷ lục, với khoản lỗ từ nợ xấu giảm và mức chênh lệch gia tăng giữa chi phí hoạt động và lợi nhuận thu về đã giúp Citigroup đạt lợi nhuận theo quý cao nhất trong ba năm qua. Như vậy, các kết quả tích cực nói trên cho thấy những nỗ lực tái cơ cấu do “thuyền trưởng” Corbat khởi xướng đang mang lại hiệu quả, góp phần củng cố vị thế của Citigroup trên thị trường ngân hàng-tài chính quốc tế.
Nguồn Vietnam+