Thứ Năm | 30/08/2012 08:17

"Kế hoạch Ryan" của ứng viên tổng thống Mitt Romney

Nội dung kế hoạch gồm giảm thiểu vai trò của chính phủ trong nền kinh tế, cắt giảm các khoản chi tiêu công nhằm thu hẹp thâm hụt ngân sách.
Ông Mitt Romney đã chính thức nắm chắc đề cử tổng thống của đảng Cộng hòa hôm 28/8, tiến thêm một bước gần hơn tới cuộc chinh phục Nhà Trắng của mình. Romney và bạn tranh cử - nghị sĩ Paul Ryan ở Wisconsin, sẽ chính thức được đề cử vào thứ năm (30/8) tới.

Việc ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney quyết định lựa chọn Paul Ryan, một chính trị gia 42 tuổi đại diện cho phe "siêu bảo thủ", đã tạo ra một làn sóng tranh luận trong chính trường Mỹ vào tuần qua. Điều mà dư luận quan tâm nhất về nhân vật này chính là quan điểm của Ryan về việc điều hành nền kinh tế Mỹ, được thể hiện rất rõ nét qua bản kế hoạch ngân sách mang tên ông.

Paul Ryan trước đó vốn là một nhân vật đình đám trong giới lãnh đạo mới của đảng Cộng hòa. Với quan điểm cứng rắn trong vấn đề ngân sách, ông Ryan được các chính trị gia đảng Cộng hòa đặc biệt ưu ái khi liên tục đề xuất các dự thảo ngân sách mang tính đối đầu rất cao với các kế hoạch của tổng thống Obama.

Trong số đó phải kể đến "kế hoạch Ryan" hay còn được biết dưới cái tên khác là "Đường đến thịnh vượng" đã được Paul Ryan đề xuất vào tháng 4 năm 2011 với nội dung chủ yếu nhắm vào việc giảm thiểu vai trò của chính phủ trong nền kinh tế, cắt giảm các khoản chi tiêu công nhằm thu hẹp thâm hụt ngân sách.

Ông Mitt Romney đã chọn hạ nghĩ sĩ Paul Ryan làm ứng viên phó tổng thống.
Ông Mitt Romney đã chọn hạ nghĩ sĩ Paul Ryan làm ứng viên phó tổng thống.

Kế hoạch Ryan, theo tính toán của chính ông Paul Ryan, sẽ đem lại nhiều hơn 2 ngàn tỉ USD nguồn thu thuế chính phủ so với kế hoạch ngân sách hiện hành của tổng thống Obama, nhưng cũng đồng thời đưa mức chi tiêu chính phủ xuống thấp hơn đến 5,3 ngàn tỉ USD trong cùng khoảng thời gian đó. Rõ ràng ông ta sẽ phải cắt giảm nhiều thứ để có được mức tiết kiệm kể trên, vậy cụ thể những khoản cắt giảm đó là gì?

Thứ nhất, về chi tiêu phi cố định, Paul Ryan dẫn lại yêu cầu cắt giảm trị giá 78 tỉ USD được bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates dưới thời ông Obama đề xuất. Cũng trong nội dung về chi tiêu phi cố định, ở các lĩnh vực ngoài quốc phòng, Ryan dự định đưa mức chi tiêu trở về mức ở thời điểm trước năm 2008 và duy trì mức này trong vòng 5 năm tới.

Nội dung thứ hai và cũng là nội dung gây tranh cãi nhiều nhất trong bản kế hoạch của Paul Ryan liên quan đến đề xuất cắt giảm tối đa trong các chương trình phúc lợi xã hội. Đáng chú ý nhất là đề xuất bãi bỏ Đạo luật bảo trợ y tế (Affordable Care Act) dưới thời ông Obama, trong đó đề cập đến việc cắt giảm các khoản chi trả cho 2 chương trình y tế công cộng quan trọng là Medicare và Medicaid.

Cùng chịu chung số phận là chế độ tem phiếu lương thực cho người thu nhập thấp (SNAP), chương trình Hỗ trợ chi tiêu học đại học (Pell Grant) cùng với các khoản trợ cấp khác như trợ cấp thất nghiệp, nhà ở,...với các hình thức cắt giảm khác nhau. Các chính trị gia đảng Dân chủ đã chĩa mũi dùi rất quyết liệt về phía cả Romney lẫn Ryan với các đề xuất kể trên, cáo buộc các rằng chính sách này ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người nghèo ở Mỹ, vốn chiếm phần đông dân số.

Ông Obama vẫn chọn ứng viên phó tổng thống Joe Biden trong chiến dịch tranh cử.
Ông Obama vẫn chọn ứng viên phó tổng thống Joe Biden trong chiến dịch tranh cử.

Một nội dung gây tranh cãi không kém trong bản kế hoạch của ông Ryan đó là các đề xuất liên quan đến mức thuế nói chung. Nội dung liên quan sơ lược gồm cải cách lại bộ quy tắc thuế bằng cách củng cố lại các khung hiện hành, đồng thời cắt giảm mức trần thuế thu nhập cá nhân từ 35% xuống còn 25%; Tiếp tục duy trì các khoản cắt giảm thuế có từ thời Bush cho đến năm 2013; Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 25%.

Một cách vắn tắt, hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách cắt giảm thuế của ông Ryan chính là giới thượng lưu Mỹ, trong khi 20% dân số nghèo nhất nước Mỹ theo tính toán có thể phải trả thêm khoảng 150 USD thuế vào năm 2015. Paul Ryan thậm chí còn muốn cho giới nhà giàu hưởng mức giảm thuế còn lớn hơn dự định của Romney.

Với các dự định về ngân sách cứng rắn như vậy, không mấy khó hiểu khi ông Ryan không chiếm được cảm tình của đa số cử tri Mỹ. Trong một cuộc thăm dò chung mới đây của Reuters và Ipsos, có tới 44% cử tri cho rằng đương kim phó tổng thống Joe Biden đáng tin cậy hơn hạ nghị sĩ Paul Ryan.

Có thể nhận thấy rằng sự lựa chọn "nhân vật số 2" này của Romney là một bước đi hết sức mạo hiểm. Các chính trị gia đảng Dân chủ không giấu giếm việc coi Ryan là tử huyệt dễ bị tấn công của Romney do các chính sách gây ảnh hưởng đến người nghèo. Theo Washinton Post, ngay cả một số nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng cho rằng đây là một canh bạc lớn đối với Romney.

Mặc dù vậy, cuộc đua vào Nhà Trắng trong vòng 80 ngày tới vẫn có thể có những diễn biến khác. Những khoản cắt giảm thuế hẳn của Paul Ryan hẳn sẽ làm đẹp lòng giới người giàu trong nền kinh tế Mỹ. Có cơ sở để tin rằng Mitt Romney có thể trông chờ vào những lá phiếu đại cử tri sẽ đem đến cho ông chiến thắng.

Nguồn VEF


Sự kiện