John McCain, người giám sát mới của quốc phòng Mỹ
Những binh sĩ cùng bị giam với Thượng nghị sĩ John McCain trong Chiến tranh Việt Nam đã lần lượt qua đời. Hiện thực này khiến chính trị gia 78 tuổi nhận ra rằng ngày ấy sớm muộn sẽ đến với mình. "Mỗi một ngày qua đi lại khiến thời gian tôi có thể phục vụ Thượng viện trở nên ngắn hơn", ông chia sẻ.
Tuy nhiên, không ai cho rằng suy nghĩ trên sẽ khiến vị thượng nghĩ sĩ đảng Cộng hòa của bang Arizona trở nên mềm mỏng hơn. Theo cách tư duy của McCain, Mỹ nên điều lực lượng trên bộ đến Syria, tăng cường binh lực tại Iraq và Afghanistan, cũng như không ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Sáu năm sau khi thua Tổng thống Barack Obama trong cuộc bầu cử năm 2008, John McCain nay đã giành được chức vụ mà ông mong muốn, chỉ sau ghế tổng thống Mỹ, là chủ tịch Ủy ban Quân sự của Thượng viện. Đảng Cộng hòa đã giành được quyền kiểm soát lưỡng viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi tháng 11.
Với chức vụ mới, Thượng nghị sĩ McCain trở thành người giám sát mới của quân đội và chính sách quốc phòng Mỹ. Điều mà giới quan sát quan tâm là ông sẽ vận dụng sức ảnh hưởng này như thế nào, sẽ hợp tác hay cản trở chính sách của Nhà Trắng.
"Hiện nay, John McCain nắm thứ quyền lực có thể lật ngược hoặc góp phần tạo dựng chính sách an ninh quốc gia của Obama", ông Leslie Gelb, chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết. "Đây là bước đầu tiên để xem ông ấy sẽ tiếp tục công kích tổng thống như 6 năm qua, hay tìm cách điều chỉnh và cải tiến chính sách của Obama".
Thượng nghị sĩ McCain dường như đang tìn cách gạt bỏ hình tượng đối đầu với Tổng thống Obama, chuyển sang tư thế của một nguyên lão trên chính trường. Nhưng, cách hành động của ông vẫn không vượt ra khỏi mô thức tấn công. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, McCain cho biết quyết định không tăng quân đến Iraq để đối phó với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sẽ đẩy nước Mỹ vào thế nguy hiểm.
"Anh đã nhìn thấy vụ tấn công tại Paris chưa? Nước Mỹ cũng sẽ bị tấn công", Jonh McCain nói. Theo miêu tả của chính trị gia này, chính sách ngoại giao của Obama không khác gì "một cuộc thảm họa", "không thực tế". Ông cũng cho biết mình sẽ là một thống lĩnh ba quân tốt hơn thế.
McCain vẫn còn rất tức giận trước cách hành xử của ông Obama sau cuộc gặp tại Phòng Bầu dục, văn phòng của tổng thống, cách đây hơn một năm. Tháng 9/2013, ông cùng Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của bang Nam Carolina từng đích thân đến Nhà Trắng để ủng hộ kế hoạch can dự quân sự vào Syria của tổng thống. Nhưng sau này, ông Obama đã thay đổi quyết định.
"Đến phép lịch sự là gọi điện thông báo cũng không có", vị thượng nghị sĩ già nói. "Khi có người ngồi trong Phòng Bầu dục, nhìn vào mắt bạn mà nói, họ sẽ làm điều gì đó. Bạn sẽ tin không? Tôi thì đã tin lời ông ấy, mà rõ ràng là tôi không nên làm vậy".
Khi tổng kết về chính sách ngoại giao của chính quyền Obama, John McCain nói: "Tôi luôn luôn đúng và ông ấy thì luôn luôn sai".
Ngay từ những ngày đầu đảm nhận chức vụ mới, Thượng nghị sĩ McCain lên kế hoạch tiến hành một loạt cuộc điều trần về chính sách an ninh quốc gia. Theo đó, các nhân sĩ kiệt xuất của cả hai đảng trong các nhiệm kỳ tổng thống sẽ được mời tham dự, bao gồm cựu ngoại trưởng 91 tuổi Henry Kissinger và hai vị cựu cố vấn an ninh quốc gia là Brent Scowcroft và Zbigniew Brzezinski.
Trợ lý tổng thống Denis McDonough cho biết, Tổng thống Obama coi Thượng nghị sĩ McCain là đại diện cho một luồng quan điểm rất quan trọng, đáng để tư vấn, mặc dù ông chủ Nhà Trắng không đồng ý với lập trường can dự của McCain.
Một số thượng nghị sĩ kỳ cựu của đảng Dân chủ cho biết họ rất tôn trọng ý kiến chuyên môn của ông McCain, cũng như những nỗ lực của chính trị gia này trong việc thúc đẩy hợp tác giữa hai đảng trên vấn đề di dân. Các thành viên đảng Dân chủ tại Thượng viện tin tưởng rằng John McCain sẽ có nhiều đóng góp hơn tại Ủy ban Quân sự, chứ không chỉ là một chính khách hăm dọa danh sách đề cử của tổng thống.
McCain được cho là ủng hộ ông Ashton Carter, ứng viên cho chức Bộ trưởng Quốc phòng mà Tổng thống Obama đề cử. Ông Carter sẽ có cuộc điều trần trước Ủy ban Quân sự Thượng viện vào tháng 2.
"Tôi cho rằng ông ấy (John McCain) đã tìm được đúng vị trí. Trên cương vị này, tài năng của ông ấy sẽ phát huy tác dụng quan trọng với quốc gia", Thượng nghị sĩ Jack Reed của đảng Dân chủ cho biết. "Ông ấy không còn mong muốn trở thành tổng thống nữa, cũng không bị các bước chuyển đổi tiếp theo ảnh hưởng. Ông ấy cho rằng mình được trao trách nhiệm định hình chính sách của Mỹ trong thời điểm mấu chốt".
Cùng chung quan điểm trên, Thượng nghị sĩ Charles Schumer cho rằng McCain sẽ phát huy vai trò quan trọng. "Mọi người hiểu tính cách của ông ấy, biết ông ấy rất nhiệt tình, cũng biết có lúc ông ấy nói quá lên. Nhưng đằng sau đó là sự thành khẩn, xuất phát từ tâm can, với vốn kinh nhiệm phong phú làm cơ sở", ông Schumer nói. "Trong một thế giới mà chủ nghĩa khủng bố hoành hành, người ta sẽ rất vui vì sự tồn tại của ông ấy, ngay cả khi không đồng ý với quan điểm của ông".
Thượng nghị sĩ John McCain từng tuyên bố, trên cương vị chủ tịch ủy ban, ông sẽ thúc đẩy kết thúc việc cắt giảm toàn diện ngân sách quốc phòng, giảm thiểu sự lãng phí trong hệ thống mua sắm quân sự. Ông cũng hy vọng sẽ kéo sự chú ý của dư luận vào vấn đề đe dọa an ninh toàn cầu, nhằm tạo bầu không khí chính trị thuận lợi cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
"Một năm trước, khi chưa có sự kiện chém đầu của IS, người dân Mỹ rất ít quan tâm đến vấn đề an ninh quốc gia. Nhưng nay, người ta đặc biệt chú ý đến vấn đề này, mà Tổng thống Reagan đánh bại Jimmy Carter cũng là bởi vậy", ông McCain nói. "An ninh quốc gia, thực hiện hòa bình thông qua thực lực, trở thành một bước vô cùng quan trọng".
Để thực hiện chương trình nghị sự của mình, McCain đã bố trí một số thượng nghị sĩ mới thắng cử vốn xuất thân từ quân đội vào Ủy ban Quân sự, như các thượng nghị sĩ Tom Cotton, Dan Sullivan và Joni Ernst.
John McCain từng là phi công của lực lượng hải quân Mỹ. Cha và ông nội của chính khách này đều là tướng lĩnh hải quân. Vì vậy, ông Mark Salter, cố vấn lâu năm của McCain, cho rằng việc trở thành người đứng đầu Ủy ban Quân sự là cơ hội để ông "thực hiện hoài bão chính trị một đời".
Nếu như đến năm 2016, John McCain tiếp tục tranh cử và thắng cử vào Thượng viện, thì đó sẽ là nhiệm kỳ thứ 6 của chính trị gia này trên cương vị thượng nghị sĩ. Nhiều người bạn của McCain cho biết, ông có ý định trên và đó cũng rất có thể sẽ là nhiệm kỳ cuối cùng, bởi khi đó ông đã 86 tuổi.
"Tôi nghĩ rằng John coi 6 năm, thậm chí là 8 năm trước mắt là cơ hội để kết thúc sự nghiệp chính trị theo cách mạnh mẽ. Ông ấy đang nhìn lại di sản chính trị của mình", tướng về hưu Jack Keane, một người bạn lâu năm thân thiết của Thượng nghị sĩ John McCain, cho biết. "Ông ấy muốn trở thành người hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn".
Bản thân McCain cho hay ông không quan tâm đến di sản chính trị của mình, nhưng thực sự cảm thấy bị hối thúc khi những người bạn của mình lần lượt qua đời, bởi ông muốn tận dụng hiệu quả nhất thời gian còn lại của mình. Chính khách kỳ cựu này nói rằng, ông đã quyết định dòng chữ sẽ khắc trên bia mộ mình: "Người này từng phụng sự quốc gia".
Nguồn VnExpress