John Kerry tiếp quản ghế ngoại trưởng Mỹ như thế nào?
Và chỉ trong mấy ngày tới, thượng nghị sĩ kỳ cựu này, người đã có chất ngoại giao chảy trong huyết quản của ông, sẽ nhận ghế Ngoại trưởng Mỹ và quản lý 70.000 nhân viên trong bộ Ngoại giao, giúp định hình chính sách ngoại giao tương lai của Mỹ.
Ông sẽ phải xỏ chân vào một đôi giày rất lớn. Hillary Clinton, cựu đệ nhất phu nhân kiêm cựu Thượng nghị sĩ New York, đã được nhiều lời ca tụng và được trao tặng danh hiệu "ngôi sao nhạc rock ngoại giao" trong 4 năm làm việc.
Trong vài tuần qua, Kerry đã lặng lẽ đảo quanh Bộ Ngoại giao, được thông báo vắn tắt về các hồ sơ khó nuốt mà ông sẽ phải xử lý khi nhậm chức, gặp gỡ các nhân viên, đánh giá đội ngũ làm việc mới của ông.
Khi đề cử Kerry vào ghế Ngoại trưởng tiếp theo trong tháng trước, Tổng thống Barack Obama đã nhận xét: "Ông ấy sẽ không cần huấn luyện quá nhiều về công việc phải làm."
"Chuyện giống như John Kerry đã vừa bước ra khỏi một trong các tấm chân dung được treo trên tầng 7 của Bộ Ngoại giao vậy. Ông đã được đào tạo cho công việc mới trong hàng tập kỷ" - Martin Indyk, giám đốc chính sách đối ngoại tại Viện Brookings nhận xét.
Nhưng Indyk dự báo về một sự thay đổi phong cách lãnh đạo dưới thời Kerry, nếu ông được Thượng viện Mỹ phê chuẩn trong ngày 29/1.
"Tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ tham gia nhiều hơn vào các cuộc thương thảo mang tính thực chất của vấn đề hơn" - ông đánh giá - "Hillary Clinton đã làm được công việc tuyệt vời trong việc xây dựng lại các hình ảnh của nước Mỹ và vị thế của Mỹ trên thế giới. Và ngoại trưởng Kerry, nếu ông ấy được lựa chọn, sẽ có cơ hội làm việc trên nền tảng đó để giúp định hình về một trật tự thế giới đang lên cho Tổng thống."
Tại phiên điều trần phê chuẩn diễn ra trong ngày thứ 31/1 tới, Kerry đã đề cập tới một số vấn đề lớn nhất nhất mà Mỹ đang phải đối mặt.
Ông cảnh báo Iran rằng Mỹ sẽ làm tất cả để ngăn chặn nước này sở hữu vũ khí hạt nhân, nói với Trung Quốc rằng ông sẽ làm việc để tăng cường quan hệ song phương và có nhắc tới việc phải tiến lên trong tiến trình hòa bình ở Trung Đông.
Tờ Haaretz của Israel dẫn lời một số quan chức cao cấp nước này cho biết Kerry đã lên kế hoạch tổ chức một chuyến viếng thăm sớm tới cả Israel và Palestine trong tháng 2 này.
Để so sánh, Clinton đã chỉ có 5 chuyến đi tới Israel và 2 chuyến đi tới Palestine trong nhiệm kỳ của bà. Tiến trình hòa bình Trung Đông đã bị tạm gác lại sau khi Obama đã thử và thất bại trong việc đưa đôi bên lại gần nhau hơn.
Và khi Mỹ đang rút bớt quân khỏi Afghanistan, Kerry, người hiểu rõ Tổng thống Hamid Karzai, sẽ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xác định quan hệ tương lai giữa hai nước.
Kerry cũng đã cam kết sẽ là người "cổ súy nhiệt thành" cho việc chống biến đổi khí hậu và ông cũng nói về nhu cầu phải chiến đấu chống lại các mối đe dọa do Al Qaeda tạo ra.
"Chúng ta không thể chấp nhận một nền ngoại giao được định nghĩa bởi những người lính, những chiếc máy bay không người lái hoặc sự đối đầu" - Kerry nói với các nghị sĩ Mỹ - "Chúng ta cần phải suy nghĩ sâu sắc về lịch sử, văn hóa, về tự nhiên của những nơi chúng ta có quan hệ. Và anh không thể đơn giản là mang một tư tưởng của Mỹ hoặc tư tưởng của phương Tây áp đặt xuống nơi nào đó và nói rằng nó sẽ hoạt động."
Phản chiến khi trở về từ chiến trường Việt Nam
Sau khi tham chiến ở Việt Nam, Kerry đã trở thành một người tích cực phản chiến khi trở về. Ông trở nên nổi tiếng vào năm 1971, khi đặt một câu hỏi gây chấn động trong một phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện về Chiến tranh Việt Nam: "Làm sao các ngài có thể đòi hỏi một người trở thành nhân vật cuối cùng phải chết vì sai lầm của các ngài?"
"Nếu có một thứ gì đó giống như Học thuyết Kerry, thì đó chính là sự sẵn sàng tiến hành tiếp xúc và thử thách ý định của các nước khác, dù đó là kẻ thù, cựu thù hoặc các đối tác khó khăn trên trường thế giới" - Douglas Brinkley, giáo sư lịch sử tại Đại học Rice đã nhận xét trên tờ Foreign Policy - "Kerry đã thể hiện rằng quyền lực đi kèm với trách nhiệm nặng nề. Nhưng sự lịch sự nhã nhặn của ông và sự khéo léo về ngoại giao đã che giấu một sự dẻo dai và sự sẵn sàng nói ra sự thực khó nuốt."
Bản năng của ông trong việc không vội vã can thiệp cũng khiến ông có nhiều người hâm mộ.
"Ông có sự kết hợp của sự khôn ngoan và hiểu biết" - Christopher Preble, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu đối ngoại tại Viện Cato cho AFP biết - "Tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ không thích thú lắm với việc Mỹ dần dính líu vào Syria hoặc các sự kiện tương tự".
Một số bộ phận trong cơ quan ngoại giao Mỹ cũng hoan nghênh việc một người có nền tảng ngoại giao tốt như Kerry ngồi vào ghế lãnh đạo. Cần biết rằng dù Clinton là ngoại trưởng được nhiều người ưa thích, sự chú ý mang tính chính trị xung quanh cá nhân bà đôi khi đã gây ảnh hưởng tới hoạt động của bộ Ngoại giao.
Nhưng Aaron David Miller, cựu cố vấn của 6 ngoại trưởng Mỹ, nói rằng chỉ có thời gian mới có thể cho thấy liệu Kerry có trở thành một ngoại trưởng xuất sắc đạt tới tầm nổi tiếng như Henry Kissinger hay không.
"May mắn có vai trò rất lớn trong việc trở thành một ngoại trưởng vĩ đại. Đó là việc xuất hiện đúng thời điểm, đúng chỗ" - ông nói với AFP - "Anh cần phải có kỹ năng thương thảo, tôi gọi đó là hệ tư tưởng của các nhà thương thuyết, vốn giúp anh có khả năng cảm nhận được việc có đạt được thỏa thuận hay không. Anh cần sự ngạc nhiên bất ngờ... Anh cần một cơ hội thuận lợi, để mở ra một cánh cửa".
Nguồn Vietnam+
ông John Kerry trong buổi điều trần ở Quốc hội (Nguồn: AFP)