Italia thông qua biện pháp kích thích tăng trưởng khẩn cấp
Gói biện pháp này bao gồm một loạt dự luật và sắc lệnh liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như cắt giảm thuế, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ các doanh nghiệp, cắt giảm tệ quan liêu.
Theo kế hoạch, chính phủ dự định đầu tư 3 tỷ euro (khoảng 4 tỷ USD) cho các dự án công nhằm tạo việc làm (dự kiến sẽ tạo thêm 30.000 việc làm mới trong năm nay), trong đó dành khoảng 600 triệu euro đầu tư cho ngành đường sắt, 300 triệu euro để bảo trì hệ thống cầu và hầm ngầm, khoảng 300 triệu euro cho ngành giáo dục (sửa chữa hệ thống trường học, hỗ trợ giáo dục).
Để giảm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp Italia do chính sách "thắt lưng buộc bụng" được áp dụng từ năm 2011, chính phủ dự định cắt giảm khoảng 550 triệu euro tiền thuế trong ngành năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Các hộ gia đình có thu nhập dưới 120.000 euro sẽ không bị tịch biên nhà, nếu chỉ sở hữu một ngôi nhà hoặc căn hộ.
Bên cạnh đó, Chính phủ Italia sẽ thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm tệ quan liêu trong hệ thống tư pháp, đặc biệt là sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho những người nhập cư được nhập quốc tịch Italia.
Gói biện pháp trên được thực hiện theo những gợi ý của Liên minh châu Âu, nhằm cải thiện nền kinh tế suy yếu của Italia và đáp ứng điều kiện về tiêu chuẩn thâm hụt ngân sách của Liên minh châu Âu - dưới 3% GDP.
Hiện nền kinh tế Italia - lớn thứ ba của Khu vực đồng euro - suy thoái tồi tệ hơn dự đoán trong quý 1/2013 (giảm 0,6% so với mức dự đoán 0,5% trước đó), tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 12%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ lên đến 40,5%. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách hiện là 2,9%, xấp xỉ ngưỡng của EU quy định.
Thủ tướng Italia Enrico Letta cho biết, sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ thực thi các biện pháp này ngay lập tức. Quốc hội Italia sẽ xem xét và thông qua các dự luật trên trong vòng 60 ngày.
Bên cạnh đó, ông Letta cũng cho biết, vào tuần tới, Chính phủ của ông cũng sẽ đưa ra các biện pháp nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ, trong đó có việc giảm các điều kiện thuê nhân công.
Nguồn Vietnam+