Italia rao bán cung điện và lâu đài để trả nợ
Trong kế hoạch cuối cùng nhằm cứu vãn nền kinh tế, thủ tướng Mario Monti cho biết ngoài việc cắt giảm chi tiêu công cùng hàng loạt biện pháp thắt lưng buộc bụng khác, chính phủ Italia còn có kế hoạch bán khoảng 350 lâu đài và cung điện để củng cố tài chính cho đất nước.
Theo cơ quan quản lý bất động sản quốc gia Agenzia del Demanio, chính phủ Italia hy vọng sẽ thu về khoảng 1,5 tỷ euro (1,86 tỷ USD) từ các tài sản được rao bán này.
350 bất động sản này gồm cả doanh trại quân đội ở Bologna, trước đây do Bộ Quốc phòng quản lý, và lâu đài Cimino's Orsini ở vùng Lazio, được xây dựng bởi Giáo hoàng từ thế kỷ 13 và sau này được sử dụng làm nơi giam giữ tù nhân.
Thành phố Vernice cũng rao bán cung điện Diedo, được xây dựng từ thế kỷ 18, với giá 19 triệu euro. Cung điện Diedo từng được sử dụng làm tòa án hình sự trong nhiều năm và hiện được bán trên thị trường bởi công ty Hera Immobiliare. Ngoài Diedo, chính quyền thành phố còn ra bán thêm 17 tài sản khác.
Tại Milan, chính quyền thành phố đang rao bán hơn 100 tòa nhà, bảo gồm cả khu thời trang nổi tiếng Palazzo Bolis Gualdo tại số 12, đường Via Bagutta. Giá ban đầu của khu thời trang này là 31 triệu euro.
Theo kinh tế trưởng của Cassa Depositi e Prestiti - ngân hàng có 70% do chính phủ nắm giữ - ông Edoardo Reviglio, các cơ quan các cấp thuộc chính phủ Italia hiện đang sở hữu hoảng 42 tỷ euro tài sản dư thừa hoặc không được sử dụng. Việc nhanh chóng chuyển đổi số tài sản này sang tiền mặt là một cách nâng cao doanh thu nhanh chóng cho chính phủ cũng như các chính quyền địa phương của Italia.
Tuy nhiên, kế hoạch rao bán tài sản này đang gặp phải khá nhiều thách thức. Do lo sợ sự sụp đổ của khu vực đồng euro (eurozone), nhiều tổ chức đầu tư đã gạt Italia cùng những thành viên đang gặp khó khăn về tài chính của eurozone, như Tây Ban Nha và Hy Lạp khỏi danh sách đầu tư.
Ngoài ra, để mua lại các tài sản này, các nhà đầu tư phải chấp nhận rủi ro khi giao dịch với bộ máy quan liêu nổi tiếng là chậm chạp của Italia. Bên cạnh đó, những tài sản được rao bán đã khá cũ và hư hại nhiều, và các nhà đầu tư sẽ phải sữa chữa và tôn tạo khá nhiều trước khi có thể treo biển cho thuê. Theo nhận định của niều chuyên gia, vào thời điểm kinh tế châu Âu tăng trưởng chậm chạp như hiện nay, nhu cầu thuê những địa điểm xa xỉ như vậy là rất thấp.
Bán tài sản quốc gia là biện pháp nâng cao doanh thu nhanh chóng cho Italia. |
Mặc dù vậy, các chuyên gia bất động sản không đặt quá nhiều kỳ vọng và đợt rao bán lần này của chính phủ. "Tôi khá hoài nghi về những cơ hội mà đợt rao bán này mang lại. Tôi cũng không dám chắc những tòa nhà này sẽ thu hút được nhiều sự chú ý, hay có người nào đó sẵn sàng tung tiền mua lại", giám đốc quản lý tập đoàn đầu tư bất động sản Carlton, ông Massino Cecchi cho biết.
Italia không phải là quốc gia châu Âu duy nhất tìm cách bán tài sản để trả nợ. Năm ngoái, Hy Lạp cũng rao bán một số tài sản với tổng giá trị 30 tỷ euro. Tuy nhiên những nỗ lực bán tài sản này đã không mang lại nhiều kết quả.
Hơn nữa, tuyên bố bán tài sản của chính phủ Italia được đưa ra vào thời điểm các nhà đầu tư đang trở nên thận trọng hơn với thị trường kinh doanh bất động sản. Trong quý II năm nay, tổng khối lượng giao dịch bất động sản của Italia đã giảm 92% so với cùng kỳ năm 2012. Hoạt động bán bất động sản cũng đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Do đó, việc nhiều người hoài nghi tính hiệu quả của kế hoạch này cũng là điều dễ hiểu.
Nguồn WSJ/Khampha