Ireland: Đứng dậy từ đáy sâu khủng hoảng
Nhóm PIIGS bao gồm những quốc gia khủng hoảng điển hình như Bồ Đào Nha, Italia, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ireland và một số thành viên khác. Tuy nhiên, cho đến nay, trong nhóm này chỉ có Ireland thực sự hồi phục trở lại và thậm chí còn chuẩn bị quay trở lại thị trường nợ thế giới, sau 2 năm bị các nhà chức trách châu Âu thẳng tay đẩy khỏi thị trường này.
Xét một cách công bằng, Ireland vẫn còn nhiều điều phải làm trước khi thực sự thoát khỏi khủng hoảng, chẳng hạn như nợ công cao, tỷ lệ thất nghiệp vẫn rất lớn.
Tính đến giữa năm 2011, Ireland bắt đầu tăng trưởng trở lại song vẫn ở mức khiêm tốn 1,6%, trong khi gánh nặng nợ cũng ở mức khá cao 109% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) còn tỷ lệ thất nghiệp xấp xỉ gần 15%. Tuy nhiên, những con số này vẫn tốt hơn rất nhiều so với các nước khác trong nhóm PIIGS như Hy Lạp. Cho đến nay, nợ Hy Lạp vẫn duy trì ở mức trên 150% GDP, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng kỷ lục lên 26,8%.
Bằng một loạt các biện pháp khẩn cấp và hợp lý của chính phủ, kết hợp với gói cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ireland đã dần lấy lại vị thế của mình trên thị trường toàn cầu. Nhiều nhà đầu tư đã không tiếc lời khen ngợi những nỗ lực của Ireland và gọi quốc gia này là “Câu chuyện thành công của châu Âu”.
Một trong những câu hỏi mà nhiều người đặt ra là trong 3 năm qua, Ireland đã làm gì và thực hiện những chính sách nào để chiến thắng khủng hoảng?
Để có được câu trả lời, điều trước hết cần phải hiểu được khởi nguồn cũng như những nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng Ireland, và chính phủ Ireland đã đưa ra những biện pháp nào để kiềm chế khủng hoảng.
Căn nguyên khủng hoảng Ireland
Sau Thế chiến II, nền kinh tế Ireland được xếp vào diện lạc hậu nhất so với các nước châu Âu. Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu thay đổi kể từ giữa thập niên 1990 khi Ireland có những bước đột phá thần tốc để bắt kịp các quốc gia láng giềng.
Có rất nhiều yếu tố tạo nên sự “thần kỳ” cho kinh tế Ireland, trong đó phải kể đến như yếu tố nhân khẩu học thuận lợi, lực lượng lao động được đào tạo có bài bản, năng suất cao và môi trường kinh doanh thân thiện, với thuế doanh nghiệp thấp.
Từ giữa giai đoạn 1995 đến 2002, kinh tế Ireland trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư, và được mệnh danh là cổng vào của thị trường châu Âu. Ireland cũng giữ một vị thế lớn trên thị trường tài chính khu vực, đồng thời được đánh giá là quốc gia “gần như không thất nghiệp”, với tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%.
Tuy nhiên, tình hình bắt đầu xấu đi với Ireland sau năm 2002, khi sản lượng sản xuất không tăng, lạm phát cao trong khi tăng trưởng GDP chủ yếu phụ thuộc vào thị trường nhà ở. Bên cạnh đó, chi phí lao động tăng cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực cạnh tranh của Ireland.
Đến năm 2007, thị trường nhà đất Ireland lên mức đỉnh điểm. Trong năm này, doanh thu thuế của chính phủ Ireland bắt đầu giảm thê thảm, trong khi số nhà xây mới lần đầu tiên giảm kể từ năm 1988.
Sang năm 2008, lần đầu tiên sau 15 năm, tỷ lệ thất nghiệp của Ireland tăng. Trong khi đó, số nợ chưa thể thanh toán của các ngân hàng Ireland cũng tăng mạnh. Trước tình hình này, niềm tin của giới đầu tư với Ireland nhanh chóng bốc hơi và quốc gia châu Âu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng “bay hơi” ngoại tệ nghiêm trọng. Các khoản vay liên ngân hàng ngắn hạn, nguồn quỹ chủ yếu của các ngân hàng Ireland vào thời điểm đó, cũng trở nên khó tiếp cận hơn.
Để giảm áp lực cho các ngân hàng, chính phủ Ireland quyết định bảo hiểm trên quy mô lớn cho các khoản vay của ngân hàng và sử dụng các quỹ công cho hoạt động tái cấp vốn. Tuy nhiên, các biện pháp này không những không hiệu quả, mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt ngân sách, trong khi sự sụp đổ của bong bóng tài sản bắt đầu hiện rõ.
Sau một loạt sự kiện đã diễn ra, sự bền vững của nợ công Ireland bắt đầu bị đặt câu hỏi lớn. Đến tháng 11/2010, lợi suất trái phiếu chính phủ Ireland đã lên đến mức không bền vững 9%, điều này đồng nghĩa Ireland bị buộc phải rời khỏi thị trường trái phiếu thế giới.
Không thể vay tiền từ quốc tế để bù đắp thâm hụt ngân sách, Ireland đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa và xóa bỏ hoàn toàn các dịch vụ công.
Tổng kết về khủng hoảng Ireland, các nhà phân tích đưa ra 4 điểm chính. Thứ nhất, tăng trưởng trong giai đoạn trước 2008 của Ireland là tăng trưởng không bền vững, điển hình là việc năng suất lao động bất ngờ sụt giảm thê thảm sau năm 2002. Thứ hai, sự mở rộng quá nhanh trong tín dụng của Ireland đã tạo nên bong bóng tài sản, đẩy danh mục đầu tư quốc gia vượt quá quy mô của nền kinh tế. Thứ ba, sự suy giảm đột ngột của giá tài sản thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường tài sản Ireland. Cuối cùng, niềm tin các nhà đầu tư suy giảm đã đẩy Ireland vào cuộc khủng hoảng bay hơi ngoại tệ trầm trọng.
EU và IMF chung tay giải cứu Ireland
Lo ngại Ireland vỡ nợ và buộc phải rời Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), ngày 29/11/2010, chính phủ Ireland đã thỏa thuận xin cứu trợ từ EU và IMF với số tiền 85 tỷ euro (trong đó 17,5 tỷ euro là do phía Ireland đóng góp).
Gói cứu trợ tài chính khẩn cấp từ các đối tác châu Âu đã giúp ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ của Ireland, đồng thời giúp các dịch vụ tài chính công cơ bản của quốc gia này vẫn tiếp tục hoạt động. Việc ngăn chặn Ireland vỡ nợ cũng giúp eurozone thoát khỏi nguy cơ tan rã.
Tháng 7/2011, các nhà lãnh đạo EU chấp thuận hạ lãi suất nợ, đồng thời cung cấp thêm một số khoản vay mới cho Ireland. Quyết định này thực sự là một phao cứu sinh vô giá không chỉ với chính phủ mà còn với những người đóng thuế của Ireland. Bên cạnh đó, nó còn giúp cải thiện độ bền vững trong nợ quốc gia của Ireland.
Theo các nhà phân tích, chương trình cứu trợ cho Ireland của EU và IMF có 3 yếu tố chính. Đầu tiên là chiến lược trong lĩnh vực tài chính giúp lĩnh vực ngân hàng của Ireland được tinh giản gọn gàng hơn và được cấp vốn tốt hơn. Thứ hai là chiến lược củng cố tài chính, trong đó gói cứu trợ tập trung hướng nền tài chính công của Ireland theo con đường bền vững trong trung hạn. Cuối cùng, các chủ nợ yêu cầu Ireland nghiêm túc thực hiện cải cách chương trình nghị sự nhằm khôi phục năng lực cạnh tranh và củng cố sức mạnh tăng trưởng cho nền kinh tế.
Những quyết sách quan trọng của Ireland
Mặc dù các mục tiêu chính sách kể trên là do các chủ nợ, bao gồm EU, IMF và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đưa ra, song người thực hiện chính vẫn là chính phủ và người dân Ireland. Và để thực hiện tốt chúng không phải là điều đơn giản.
Để vực dậy nền kinh tế bên bờ sụp đổ, chính phủ Ireland đã đưa ra một loạt các quyết sách quan trọng.
Đối với cải cách ngân hàng, chính phủ Ireland cho tái cấp vốn cho toàn bộ các ngân hàng trong nước với chi phí thấp hơn dự kiến ban đầu. Ngoài ra, Ireland cũng tiến hành giảm dần nợ cho các ngân hàng, mặc dù điều kiện thị trường vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Cuối cùng, các ngân hàng yếu kém bị buộc phải sáp nhập trước thời hạn, kèm theo đó là toàn bộ ban lãnh đạo của những ngân hàng này cũng bị thay mới hoàn toàn.
Trong lĩnh vực tài chính, chính phủ Ireland chủ trương khôi phục lại tính bền vững của tài chính công, và cho đến nay quá trình này vẫn tiếp tục được thực hiện. Mục tiêu thâm hụt ngân sách năm 2012 được chính phủ Ireland nghiêm túc thực hiện. Chính phủ Ireland cũng cam kết sẽ giảm nợ xuống mức 7,5% GDP trong năm 2013 và tiến tới mục tiêu 3% vào năm 2015.
Đối với yêu cầu cải cách cơ cấu, chính phủ Ireland thực hiện cải cách triệt để thị trường lao động, đồng thời tiến hành các biện pháp cải thiện tính linh hoạt của thị trường lao động đối với người thất nghiệp. Ngoài ra, Ireland còn khuyến khích tính cạnh tranh trong các lĩnh vực được bảo hộ nhằm giảm chi phí lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Vươn lên từ khủng hoảng và bài học dành cho châu Âu
Với những quyết sách quyết đoán từ chính phủ, kinh tế Ireland đã dần phục hồi trở lại với những dấu hiệu đáng mừng như kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, xuất khẩu hồi sinh ấn tượng. Cho đến nay, Ireland là một trong những quốc gia hiếm hoi ở eurozone có thặng dư tài khoản vãng lai tương đối lớn.
Mặc dù nhu cầu nội địa vẫn khá yếu, song một loạt chỉ số kinh tế như doanh số bán lẻ, chỉ số quản lý thu mua (PMI) dịch vụ và sản xuất lại tăng trưởng vô cùng khả quan.
Bên cạnh đó, thị trường nhà đất – một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng – của Ireland cũng bộc lộ dấu hiệu ổn định. Trong khi đó, tăng trưởng việc làm trở lại, còn tỷ lệ thất nghiệp cũng duy trì ở mức ổn định, dù vẫn còn khá cao.
Tuy nhiên, điều quan trọng và cũng đáng mừng nhất với Ireland chính là niềm tin và cảm tính của các nhà đầu tư đã quay trở lại. Lợi suất trái phiếu chính phủ giảm giúp Ireland có cơ hội tái xuất thị trường trái phiếu, điều này thể hiện rõ qua việc một loạt trái phiếu ngắn hạn và dài hạn của Ireland đều được bán hết veo ngay trong ngày đấu giá đầu tiên. Trên thực tế, việc các hãng xếp hạng như Fitch nâng xếp hạng tín dụng của Ireland cũng góp phần đáng kể giúp trái phiếu nước này được các nhà đầu tư đón nhận.
Việc Ireland phát hành trái phiếu ngắn hạn và trung hạn thành công cũng là tín hiệu tích cực đầu tiên kể từ khu khủng hoảng nợ eurozone bùng phát. Thậm chí, một số chuyên gia còn nhận định các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước của Ireland đã đủ khả năng để phát hành trái phiếu nợ dài hạn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn, Ireland vẫn còn khá nhiều thách thức như thâm hụt ngân sách thuộc hàng cao nhất eurozone, nợ công chưa giảm trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao so với mặt bằng chung.
Mặc dù vậy, bằng cách tiếp tục kiên định thực hiện những chương trình đã đề ra, sẽ không khó để Ireland làm được điều thần kỳ như họ đã từng có trong thập niên 1990.
Câu chuyện vươn lên từ khủng hoảng cũng là bài học quý giá cho các nước eurozone, đặc biệt là những quốc gia đang vật lộn với khủng hoảng lâu dài như Hy Lạp, Tây Ban Nha hay đảo Síp.
Để có thể thoát khỏi tình trạng hiện tại, một trong những yêu cầu lớn nhất mà eurozone phải thực hiện đó là thay đổi cách thức hoạt động và quản lý nền kinh tế, trong đó chính phủ các nước cần quyết đoán hơn, và chấp nhận từ bỏ một số lợi ích để cải cách triệt để nền kinh tế.
Bên cạnh đó, eurozone cũng cần xây dựng một khuôn khổ giảm sát để ngăn chặn tình trạng mất cân bằng tái diễn, và gây ra những cuộc khủng hoảng kinh tế mới như của Ireland.
Các nhà lãnh đạo EU mới đây cũng kêu gọi xây dựng một chiến lược phát triển đầy tham vọng mang tên “châu Âu 2020”, trong đó nhắm mục tiêu giúp các nước “tăng trưởng thông minh, bền vững và toàn diện”. Ba yếu tố này sẽ trở thành tôn chỉ trong các quyết sách của EU, đồng thời giúp các quốc gia trong khu vực có được tỷ lệ việc làm cao, năng suất lao động bền vững và gắn kết xã hội, qua đó giúp đẩy lùi mọi nguy cơ khủng hoảng có thể phát sinh trong tương lai.
Nguồn Tổng hợp/Khampha