Ireland - Tia sáng từ khủng hoảng nợ công ở Eurozone
Bước đi quan trọng
Cách đây 3 năm, khi kinh tế thực sự lâm nguy khi đứng trước tình cảnh các ngân hàng lớn nhất nước này phá sản, thị trường bất động sản suy sụp, nợ công và tỷ lệ thất nghiệp không ngừng tăng cao, Ireland không còn cách nào khác đã phải phát tín hiệu “cầu viện” đến IMF và Liên minh châu Âu.
Sau khi tiến hành các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” khá khắc nghiệt (cắt giảm chi tiêu, tăng thuế và bán một số tài sản của nhà nước) để nhận được gói cứu trợ 85 tỷ euro (117 tỷ USD) từ bộ ba chủ nợ và cũng để cứu mình thoát khỏi khủng hoảng, Ireland giờ đây đã có thể quay trở lại các thị trường cho vay quốc tế mà không cần bất kỳ sự cứu trợ tài chính nào.
Song song với việc rời khỏi chương trình cứu trợ, Ireland dự định sẽ quay trở lại thị trường nợ quốc tế vào tháng 2/2014.
Trong khi đó, các nước phải nhận cứu trợ khác trong Eurozone vẫn chưa thoát khỏi tình cảnh này. Tính gộp cả số tiền giải ngân cuối cùng của IMF hôm 15/12, số tiền cứu trợ mà Ireland nhận từ chương trình cứu trợ nói trên chỉ vào khoảng 68,4 tỷ euro. Bộ ba chủ nợ cho rằng Ireland đang trở thành hình mẫu trong tương lai để các nước nhận cứu trợ học tập.
Sau khi thực hiện bảy ngân sách khắc khổ liên tiếp, kinh tế Ireland đã chấm dứt tình trạng khủng hoảng kinh tế sâu sắc nhất trong lịch sử và trở lại quỹ đạo tăng trưởng, với xuất khẩu tăng cao kỷ lục, tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP giảm xuống ước khoảng 7% năm 2013 so với 33% năm 2010, đặc biệt là lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm chỉ còn khoảng 4%, so với 15%/năm trước đó.
Phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia ngay sau sự kiện này, Thủ tướng Ireland Enda Kenny nhấn mạnh việc rút khỏi chương trình cứu trợ nói trên là bước đi quan trọng, nhưng không dừng ở đó, bởi “cuộc đời của chúng ta sẽ không thể thay đổi trong một đêm.”
Ngày 17/12, Chính phủ Ireland đã có hành động đầu tiên sau khi tuyên bố rời khỏi chương trình cứu trợ, khi công bố kế hoạch tăng trưởng trung hạn (từ nay đến năm 2020), trong đó trọng tâm là tạo việc làm và phát triển bền vững, mặc dù chương trình này được đánh giá là còn thiếu những biện pháp cụ thể để đạt được mục tiêu này.
Thủ tướng Ireland cam kết sẽ “tái tạo” toàn bộ số 330.000 việc làm mà nước này đã để mất trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế từ năm 2008-2011, đồng thời tiến hành các biện pháp để đảm bảo những sai lầm trong quá khứ không bao giờ lập lại và chấm dứt tình trạng thâm hụt ngân sách vào năm 2018 thông qua việc kiểm soát mạnh mẽ chi tiêu chính phủ.
Theo kế hoạch này, Chính phủ Ireland dự trù đến năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 10%.
Kinh tế Ireland dự báo sẽ tăng trưởng 2% trong năm 2014, 2,3% năm 2015 và 2,8% năm 2016, không khác so với nhận định trước đó, trước khi tăng mạnh hơn, ở mức 3,5% năm 2017, 2018 và 2019.
Việc hồi phục hoàn toàn vẫn cần thời gian
Như đã đề cập ở trên, kinh tế Ireland đã tăng trưởng trở lại, tỷ lệ thất nghiệp đang giảm (dù tháng trước vẫn ở mức khá cao 12,5%), quy mô khu vực ngân hàng đã được giảm xuống mức sao cho phù hợp với quy mô của nền kinh tế, nhưng các nhà phân tích đều cho rằng các ngân hàng vẫn đối mặt với rủi ro.
Các tờ báo nước này nhận định những vấn đề của nền kinh tế này vẫn chưa kết thúc. Tờ Irish Sunday Times ví von: “Giống như bệnh nhân vừa ra khỏi phòng hồi sức tích cực, việc lấy lại sức khỏe bình thường sẽ cần thời gian”.
Trong những năm phải nhận gói cứu trợ quốc tế, Chính phủ Ireland không phải đương đầu với các biểu tình quy mô mô lớn nào của người dân giống như “đồng môn” Hy Lạp.
Tuy nhiên, cuộc thăm dò dư luận do trang web tin tức The Journal.ie tiến hành hôm 15/12 vừa qua, có tới hơn một nửa trong tổng số gần 2.000 người tham gia chọn ô “cảm thấy tồi tệ hơn trước thông tin này”, trong khi chỉ có 5% cảm thấy “hạnh phúc hơn với tin này”. Điều đó phần nào cũng báo hiệu giai đoạn khó khăn vẫn chưa kết thúc.
Khó khăn chưa thực sự qua
IMF cuối tuần qua đã chấp thuận đợt đánh giá thứ mười hai và cũng là đánh giá cuối cùng về tiến triển kinh tế của Ireland và giải ngân khoản cho vay cuối cùng 890 triệu USD cho nước này.
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde khép lại chương trình cứu trợ với lời ngợi khen về sự kiên định của Ireland trong thực thi chính sách kinh tế, song bà cũng cảnh báo rằng những thách thức kinh tế lớn vẫn ở phía trước.
Trong một tuyên bố, bà nhấn mạnh tỷ lệ thất nghiệp vẫn quá cao, sự ổn định nợ công vẫn mong manh, nợ của khu vực tư nhân vẫn nặng nề và việc khắc phục tình trạng giải quyết các khoản cho vay không sinh lời diễn ra chậm chạp đang gây sức ép lên nhu cầu trong nước.
Trên thực tế, đằng sau những tín hiệu tích cực bề nổi về kinh tế Ireland là thực tế không hoàn toàn ngọt ngào về nền kinh tế này sau khi chính phủ thực hiện bảy ngân sách khắc khổ liên tiếp.
Theo Cơ quan nghiên cứu Social Justice Ireland, những người nghèo sẽ vẫn chịu thiệt thòi nhất. So với trước khủng hoảng, số 10% người nghèo nhất tại Ireland đã mất gần 20% tổng thu nhập, trong khi 10% người giàu nhất mất 11,4% tổng thu nhập.
Thực tế còn khó khăn hơn nếu tính tới tác động của việc cắt giảm phúc lợi xã hội và chi phí sinh hoạt tăng. Mặc dù trong tháng trước, số người xin trợ cấp thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất kể từ mùa Hè năm 2009 là 12,5%, nhưng điều này có nghĩa là vẫn còn khoảng hàng trăm nghìn người không có việc làm.
Không ít nhà phân tích cho rằng việc Ireland rút khỏi chương trình cứu trợ là quyết định khá mạo hiểm, bởi nhiều nguy cơ vẫn đang “rình rập” các ngân hàng nước này.
Nhiều ngân hàng nước này vẫn đang phải chật vật đối phó với “núi nợ xấu” từ giai đoạn “bong bóng thị trường bất động sản” và khi bong bóng này “nổ tung” hồi năm 2010, nó đã để lại “di sản” thuộc diện tồi tệ nhất trong lịch sử ở Ireland.
Thêm nữa, việc rút khỏi chương trình cứu trợ cũng có nghĩa Ireland sẽ không thể viện tới chương trình mua trái phiếu chính phủ của ECB (chương trình Giao dịch tiền tệ công khai) khi cần và phải dựa vào thị trường trái phiếu để huy động tiền và trả nợ, trong khi theo kế hoạch, Chính phủ Ireland sẽ bắt đầu trả nợ cho IMF từ năm 2015.
Nguồn Vietnamplus