Thứ Hai | 23/04/2012 12:26

Iran tăng cường hạm đội tàu ngầm ở vùng Vịnh

Việc tăng cường sức mạnh hạm đội tàu ngầm của Tehran nhằm thực hiện lời đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz trong trường hợp Mỹ và đồng minh tấn công Iran.
Trong suốt một thập kỷ qua, Iran luôn chú trọng tăng cường sức mạnh của hạm đội tàu ngầm, trong đó chủ yếu là các loại tàu nhỏ sản xuất trong nước, trang bị ngư lôi và mìn.

Theo các chuyên gia quân sự, việc làm này là nhằm tạo nền tảng thực hiện lời đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz, vốn là cửa ngõ vùng Vịnh, nếu Mỹ và phương Tây tấn công hoặc phong tỏa hoạt động xuất khẩu dầu của Tehran.

Theo báo cáo từ hãng tin UPI của Mỹ, vẫn chưa có dữ liệu chính xác về hạm đội tàu ngầm của quốc gia Hồi giáo này, song các nhà phân tích phương Tây ước tính hải quân Iran và Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hiện đang sở hữu khoảng 20 tàu ngầm.

Hầu hết trong số này được sản xuất bởi Tổ chức Công nghiệp Quốc phòng, một tập hợp các công ty quốc phòng do Bộ Quốc phòng Iran giám sát, chuyên sản xuất, nghiên cứu và phát triển các loại vũ khí.

Báo cáo cũng cho biết, dẫn đầu hạm đội tàu ngầm của Iran là 3 tàu ngầm lớp Kilo 877EKM do Nga chế tạo, có động cơ điện và diesel, có khả năng vô hiệu hóa tàu chiến Mỹ. Những tàu này được sản xuất phục vụ cho các hoạt động tầm xa bên ngoài vùng Vịnh Ba Tư. Các tàu này chủ yếu hoạt động trong vùng biển Ả Rập và Ấn Độ Dương.

Lầu Năm Góc lo ngại trong trường hợp xảy ra xung đột, các tàu ngầm của Iran có thể đánh chìm một hoặc nhiều tàu chiến, thậm chí cả tàu ngầm, của Mỹ và gây nên nhiều thương vong.

Trong báo cáo ngày 11/9/2008, Viện chính sách cận đông  của Washington cho biết trong hai thập kỷ qua, kể từ khi xảy ra cuộc chiến giữa Iraq và Iran, quốc gia Hồi giáo này đã rất xuất sắc trong việc cải thiện sức mạnh hải quân và có thể tiến hành các hoạt động quân sự trên biển chống lại các lực lượng hải quân lớn mạnh hơn.

Các quan chức Iran cũng nhiều lần cảnh báo nếu Mỹ và Israel có hành động tấn công quân sự quốc gia Hồi giáo thì hạm đội hải quân nước này sẽ nhắm mục tiêu vào 32 căn cứ quân sự ở Trung Đông và cho đóng cửa eo biển Hormuz, nơi vận chuyển khoảng 40% lượng dầu thô cho thế giới.

Các chuyên gia nhận định sẽ mất nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng để khôi phục lại dòng chảy thương mại và nhiều thời gian hơn nữa để bình ổn thị trường dầu nếu lời đe dọa của Tehran thành hiện thực.

Nguồn Far News/DVT


Sự kiện