Iran sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu mỏ trong khu vực
Ngay sau khi chính quyền Trump tái khẳng định sẽ trừng phạt các công ty mua dầu thô của Iran, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo Tehran có thể sớm ngừng vận chuyển dầu mỏ sang các nước láng giềng.
Việc cấm vận của Mỹ đối với Iran sẽ khiến quốc gia này gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển hoạt động thương mại quốc tế. Vì vậy, Iran sẽ đóng eo biển Hormuz một tuyến vận tải dầu lớn cho các quốc gia khác để cảnh báo đối với Mỹ cũng như các đồng minh của Mỹ.
Các chuyên gia nhận định, hiện có khoảng 17 triệu thùng dầu mỗi ngày, hoặc 35% lượng dầu xuất khẩu đi qua tuyến đường thủy chiến lược này. Nếu Iran đóng eo biển Hormuz sẽ đẩy giá dầu lên gấp ba lần so với hiện nay. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống lại Iran sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 4/11.
Mỹ quyết tâm gia tăng sức ép đối với Iran thông qua các biện pháp trừng phạt nhằm cắt giảm lượng dầu mỏ xuất khẩu của nước này xuống 0%.
Đây là tuyên bố do ông Brian Hook, Cố vấn chính sách cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề Iran.
Theo ông Hook, mục tiêu của Mỹ là nỗ lực giảm thiểu sức ép đối với nguồn cung dầu mỏ trên thị trường vàng đen của thế giới một khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran có hiệu lực. Washington tin tưởng nguồn cung dầu của thế giới đủ để lấp lỗ hổng của lượng dầu mỏ Iran.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: The Nation |
Theo kế hoạch, các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran sẽ chính thức được khôi phục từ ngày 6/8 đối với lĩnh vực ô tô và kim loại. Tiếp đó từ ngày 4/11 sẽ áp đặt đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và giao dịch ngân hàng.
Vào tháng 5 vừa qua, Tổng thống Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi một thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA). Theo thỏa thuận này, các lệnh trừng phạt đối với Iran được dỡ bỏ để đổi lấy việc hạn chế chương trình hạt nhân của Iran.
Sau khi đã cảnh báo Trump về “hậu quả” mà Washington sẽ phải đối mặt nếu khôi phục các biện pháp trừng phạt đối với Iran, ông Rouhani cho biết sẵn sàng cắt giảm sự hợp tác của Iran với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc.
Trong khi đó, Liên minh Châu Âu (EU) cam kết bảo vệ JCPOA bằng cách cố gắng duy trì đầu tư vào Iran. Nhưng viễn cảnh đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ được cho là sẽ gây khó khăn cho EU trong việc đưa ra các bảo đảm cho Tehran.
Các Bộ trưởng Ngoại giao từ Nga, Trung Quốc, Anh, Đức và Pháp sẽ gặp các quan chức Iran tại Vienna vào hôm nay, ngày 6/7 để thảo luận về cách cứu vãn JCPOA.
Nếu JCPOA được cứu vãn, thì đồng nghĩa với việc các đồng minh của Mỹ sẽ không thuận theo Mỹ để trừng phạt Iran. Như vậy, giá dầu thô cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.