Thứ Tư | 20/02/2013 10:31

Iran mất 40 tỷ USD do lệnh cấm vận của phương Tây

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ngày 19/2 cho biết, lệnh cấm vận dầu lửa của phương Tây khiến Iran khiến thiệt hại 40 tỷ USD trong năm 2012.
Trong báo cáo hàng năm, IEA chỉ rõ sản lượng dầu mỏ của Iran đã giảm tới mức thấp nhất kể từ 30 năm qua, cụ thể là cuối năm 2011, Iran sản xuất được 3,7 triệu thùng/ngày, tuy nhiên, trong tháng Một năm nay, con số này chỉ đạt 2,65 triệu thùng/ngày.

Ngày 6/2, Mỹ đã áp đặt biện pháp trừng phạt mới chống Iran, trong đó các quốc gia mua dầu của nước này phải thanh toán qua tài khoản ngân hàng nội địa và bằng đồng nội tệ của họ với Iran.

Biện pháp này góp phần đa dạng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Cộng hòa Hồi giáo Iran từ năm 2011, nặng nhất là lệnh cấm vận dầu mỏ của Liên minh châu Âu (EU), khách hàng tiêu thụ dầu thô lớn thứ hai của Iran (sau Trung Quốc). Biện pháp trừng phạt mới này có thể sẽ gây ra tác động xấu đến kinh tế Iran.

Không chỉ chính quyền Iran bị ảnh hưởng bởi cấm vận. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do công ty Gallup thực hiện hồi đầu năm nay, sau khi hỏi 1.000 người Iran qua điện thoại, 56% trong số này cảm thấy thực sự bị tác động do cấm vận, 1/3 số người được hỏi còn cho rằng họ sống "khá khó khăn" trong năm ngoái.

Theo số liệu chính thức, trong năm 2012, tỷ lệ lạm phát của Iran đạt mức kỷ lục là 27,4%.

Chuyên gia nghiên cứu về kinh tế Iran, thuộc Đại học Paris V René-Descartes, ông Fereydoun Khavand, cho biết giá của các nhu yếu phẩm đã tăng lên đến 60%.

Do thiếu USD từ việc xuất khẩu dầu mỏ mang lại, đồng tiền địa phương mất giá trầm trọng. Cách đây hai năm, 10.500 rial (tiền Iran) đổi được 1 USD, nhưng hiện nay gần 40.000 rial mới được 1 USD. Điều này đã dẫn đến giá các sản phẩm nhập khẩu như thịt, gạo hoặc dầu ăn tăng mạnh, nhất là trong mấy tháng gần đây.

Ngoài ra, theo báo cáo của Wood­row Wilson Center, cơ quan nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Washington, Mỹ, Iran hiện còn đối mặt với tình trạng thiếu thốn dược phẩm.

Thuốc nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu vào Iran đã giảm khoảng 30% trong năm 2012. Nguyên nhân chủ yếu là do không có ngoại tệ mạnh và không tiếp cận được với hệ thống ngân hàng quốc tế.

Mặc dù tình trạng kinh tế của Iran không mấy sáng sủa, nhưng 63% số người được Gallup hỏi đều tuyên bố ủng hộ chương trình hạt nhân của nước này.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện