Thứ Sáu | 03/08/2012 06:01

Iran, EU nhất trí nối lại đàm phán hạt nhân

Hôm qua 2/8, Liên minh châu Âu (EU) và Iran đã nhất trí nối lại đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi kéo dài một thập kỷ của Tehran.
Người đứng đầu về chính sách đối ngoại của EU, Catherine Ashton, đại diện của 6 cường quốc (bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đang tìm cách thuyết phục Iran ngừng chương trình hạt nhân của mình thông qua tăng cường các biện pháp trừng phạt về kinh tế và ngoại giao.

"Tôi đã tìm ra cách giải quyết mối quan tâm của quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran thông qua con đường ngoại giao", bà Ashton tuyên bố sau cuộc hội đàm qua điện thoại với trưởng đoàn đàm phán của Iran, ông Saeed Jalili.

"Việc giải quyết những bất đồng để xây dựng lòng tin giữa 2 bên là rất cần thiết. Tiến sĩ Saeed Jalili đã đồng ý nối lại đàm phán một lần nữa vào cuối tháng", bà nói thêm.

Sau khi các cuộc đàm phán bế tắc vào tháng 6 tại Matxcơva, các chuyên gia từ 2 bên đã tổ chức các cuộc thảo luận về kỹ thuật nhằm mục đích làm rõ hơn các khía cạnh của chương trình hạt nhân mà Iran đang theo đuổi. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán kỹ thuật này cũng có ít tiến triển.

2 bên đã không thể đạt được bước đột phá nào trong 3 vòng đàm phán kể từ tháng 4. Tuy nhiên không bên nào muốn phá vỡ các cuộc đàm phán, một phần do lo ngại điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến mới ở Trung Đông nếu Israel tấn công Tehran.

Căng thẳng chính trị leo thang sau khi Israel ngày 1/8 cảnh báo với bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta rằng đã đến lúc kết thúc việc giải quyết các tranh chấp hạt nhân với Iran bằng con đường hòa bình.

Cũng trong ngày hôm qua, cựu quan chức Tổ chức tình báo Mossad của Israel, ông Efraim Halevy cho rằng, trong vòng ba tháng nữa, Iran có thể phải chịu thêm nhiều đợt trừng phạt của Mỹ cũng như đứng trước nguy cơ bị Israel tấn công.

Theo ông Panetta, mặc dù thừa nhận các biện pháp trừng phạt vừa qua ít nhiều ảnh hưởng tới Iran, song tổng thống Barack Obama và quốc hội Mỹ dự kiến sẽ thực hiện nhiều biện pháp trừng phạt hơn nữa nhằm buộc Tehran nhượng bộ. Tuy nhiên, chính phủ Israel lại cho rằng các lệnh cấm vận của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cho đến nay đều không phát huy hiệu quả, đồng thời kêu gọi sử dụng vũ lực.

Lệnh trừng phạt của EU và Mỹ đã gây nhiều thiệt hại cho kinh tế Iran. Ước tính nước này mất khoảng 113 triệu USD mỗi ngày do doanh số bán dầu giảm trong khi giá dầu toàn cầu không tăng.

Điều này có nghĩa mỗi năm chính quyền của tổng thống Mahmoud Ahmadinejad sẽ thiệt hại khoảng 48 tỷ USD doanh thu, tương đương với 10% nền kinh tế. Ngoài ra, Iran hiện cũng phải đối mặt với tình trạng đồng nội tệ suy yếu và thất nghiệp gia tăng.

Nguồn Reuters/Khampha


Sự kiện