Thứ Ba | 21/08/2012 15:48

Iran dựa vào Armenia để lách lệnh trừng phạt của phương Tây

Tehran đang tìm cách mở rộng hệ thống ngân hàng tại Armenia để né tránh trừng phạt và bù đắp những khó khăn trong thương mại quốc tế.
Trong thời gian qua, mối quan tâm của Iran với quốc gia láng giềng Armenia ngày càng tăng, trong bối cảnh Tehran dần bị cô lập trên trường quốc tế và các quốc gia phương Tây đang tăng cường giám sát mọi mối quan hệ thương mại của ngân hàng Iran trên toàn thế giới.

Mới đây, ngân hàng Anh Standard Chartered đã bị các nhà quản lý Mỹ cáo buộc giao dịch trái phép khoảng 250 tỷ USD với Iran, và đối mặt với nguy cơ bị Cơ quan Dịch vụ Tài chính New York tước giấy phép hoạt động.

Ngoài ra, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) còn áp dụng một loạt các biện pháp khác nhằm phong tỏa hệ thống tài chính của Iran, với mục tiêu kiềm chế tham vọng hạt nhân của quốc gia hồi giáo này.

f
Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan và Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad trong cuộc gặp tại Yerevan, ngày 23/12/2011. (Nguồn: Reuters)

Để đối phó với tình hình, Iran đang khẩn trương mở rộng hệ thống ngân hàng tại những quốc gia láng giềng như Armenia, quốc gia thuộc Liên Xô cũ có quan hệ thương mại chặt chẽ với Iran, nhằm bù đắp những thiệt hại thương mại do các lệnh trừng phạt gây ra. Lý do Tehran chọn đặt hệ thống ngân hàng tại Armenia là do quốc gia này đang nỗ lực để tạo mối quan hệ gần gũi hơn với EU, điều đó không những giúp Iran dễ dàng hơn trong việc thanh toán cho các khách hàng quốc tế mà còn giúp Tehran qua mặt được các cơ quan tình báo phương Tây.

Theo hãng tin Reuters, trong tháng 5 năm nay, một cơ quan tình báo phương Tây tiết lộ Iran đang tìm "địa điểm thuận lợi" để di chuyển hệ thống ngân hàng tránh xa tầm kiểm soát quốc tế, và Armenia là mục tiêu quan trọng nhất của Tehran.

Trong báo cáo khác của Liên Hợp Quốc, các chuyên gia cũng cũng kết luận rằng Iran đang tìm nhiều cách khác nhau để hạn chế các trừng phạt đối với hệ thống ngân hàng của mình, trong đó Armenia được coi là một trong những đối tác ngân hàng quan trọng của Tehran.

Mặc dù chính quyền Armenia đã lên tiếng phủ nhận có quan hệ ngân hàng với Iran, song các nguồn thạo tin cho biết Tehran vẫn nỗ lực mở rộng hệ thống ngân hàng tại quốc gia này. Các quan chức Mỹ cũng nhiều lần cảnh báo những người đồng cấp Armenia nên thắt chặt hơn nữa kiểm soát tài chính.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định phương Tây rất khó ngăn chặn Iran mở rộng hệ thống ngân hàng tại Armenia, bởi lẽ hoạt động thương mại của Iran với Armenia đòi hỏi phải có một số hình thức ngân hàng xuyên biên giới. Bản thân tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cũng cho biết thương mại song phương hàng năm giữa hai nước vào khoảng 1 tỷ USD.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng được có vị trí quan trọng tương tư Armenia trong chiến lược ngân hàng của Iran. Trong báo cáo năm 2010, hãng Reuters cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các ngân hàng Iran.

"Trong nhiều năm qua, Ngân hàng trung ương Iran (CBI) đã xây dựng và phát triển nhiều cơ sở bí mật cho phép Tehran tiếp tục kinh doanh với các nước, đặc biệt là tại những quốc gia thuận lợi cho hoạt động như Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ", một cơ quan tình báo cho biết.

Tuy nhiên, trước lời kêu gọi phải cắt đứt quan hệ với Iran trong thời gian qua, các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ đang dần thận trọng hơn với các hoạt động kinh doanh liên quan tới quốc gia Hồi giáo này.

Bên cạnh Armenia, UAE hay Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà ngoại giao cũng cho biết Iran đang cố gắng phát triển các kênh tài chính ở nhiều nơi khác nhau để né tránh trừng phạt,chủ yếu tập trung ở những quốc gia như Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, tờ New York Times cho biết.

Nguồn Reuters/Khampha


Sự kiện