Iran có thể mở rộng lệnh cấm xuất khẩu dầu sang nhiều nước
Trong một bài phát biểu vào đầu tháng này, bộ trưởng dầu mỏ Iran, ông Rostam Qassemi cũng cho biết nước Cộng hòa Hồi giáo tiếp tục bán dầu thô cho các nước khác bất chấp lệnh cấm vận.
"Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã không tạo ra bất kỳ tác động nghiêm trọng nào đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran bởi dầu thô Iran vẫn được cung cấp trên thị trường thế giới và nước Cộng hòa Hồi giáo vẫn có những khách hàng truyền thống của mình", bộ trưởng Qassemi cho biết.
"Các nước tiêu thụ dầu có thể sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề về giá cả nếu Iran ngừng xuất khẩu dầu", ông Qassemi nói thêm.
"Trong điều kiện hiện nay trên thị trường dầu quốc tế, theo dự báo, giá dầu sẽ tăng cao vào mùa đông do nhu cầu năng lượng tăng lên", ông Qassemi cho biết.
Dưới áp lực của Mỹ, ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua lệnh trừng phạt mới đánh trực tiếp vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran từ tháng 1.
Lệnh trừng phạt có hiệu lực từ ngày 1/7 này ngăn chặn các nước thành viên châu Âu mua dầu từ Iran và không bảo hiểm đối với các tàu chở dầu của Tehran.
Trong một diễn biến liên quan, bộ trưởng tài chính Issrael Yuval Steinitz hôm qua 30/9 cho biết nền kinh tế Iran có khả năng sụp đổ do các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
Ông Steinitz cho biết rằng tổn thất của Iran do lệnh cấm vận của các nước phương Tây có thể lên tới 45 - 50 tỷ USD vào cuối năm nay và ông Steinitz tin rằng Mỹ có thể xác định ranh giới đỏ đối với Iran trong những tháng tới.
Một tài liệu ngoại giao bị rò rỉ vào tuần trước cũng cho thấy các biện pháp trừng phạt đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Iran nhiều hơn so với ước tính ban đầu và nước Cộng hòa Hồi giáo này đang phải chịu áp lực do lạm phát tăng cao.
Đồng nội tệ của Iran cũng giảm kỷ lục xuống 28.400 rial đổi 1 USD vào ngày 29/9, giảm khoảng 57% kể từ tháng 6/2011.
Trong khi đó, các đối thủ của tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad trong nghị viện cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây không phải là nguyên nhân chính gây ra các vấn đề khó khăn về kinh tế đối với Iran, mà nguyên nhân chính là do cách quản lý nền kinh tế của chính phủ.
Nguồn FNA/Khampha