iPhone 6 - động lực cho tăng trưởng kinh tế châu Á
Tuy Apple không công bố tên các nhà cung cấp và không phản hồi những bình luận, song các nhà phân tích dự đoán đó là các công ty tại Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc –từng cung cấp linh kiện cho các phiên bản iPhone trước đây – sẽ tiếp tục sản xuất các linh kiện chủ chốt như màn hình, ống kính camera và bộ vi xử lý. Một vài công ty này đã công bố doanh thu tăng hoặc dự báo doanh thu tăng, và các nhà kinh tế học cùng các nhà phân tích đang bàn về ảnh hưởng của Apple đối với lĩnh vực công nghệ và nền kinh tế.
Chính phủ Nhật Bản ước tính, thế hệ iPhone mới có thể giúp tăng 5% nhu cầu hàng quý đối với xuất khẩu linh kiện điện tử của nước này.
Số đơn hàng xuất khẩu của Đài Loan trong tháng 6 đạt mức cao nhất 17 tháng qua. Sản lượng công nghiệp trong tháng 6 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự đoán. Dẫn đầu là sản phẩm bán dẫn với mức tăng trưởng 2 con số, chủ yếu do, theo một số nhà phân tích, lượng cung cấp cho Apple tăng mạnh.
Anita Hsu - nhà kinh tế học tại Công ty Tư vấn đầu tư Masterlink cho biết "Sản lượng sản phẩm bán dẫn tăng vọt chắc chắn 100% liên quan đến việc tung ra iPhone thế hệ mới”.
Sự phát triển mạnh mẽ của iPhone lý giải tại sao sự hiện diện của Apple lại quan trọng đối với châu Á. Phần lớn các đối tác sản xuất phụ kiện của Apple đều ở châu Á.
Japan Display của Nhật Bản và LG Display Co của Hàn Quốc đang là nhà cung cấp lớn nhất màn hình cho Apple, bộ phận đắt tiền nhất của chiếc iPhone. Catcher Technology Co của Đài Loan sản xuất vỏ kim loại, một bộ phận đắt tiền khác. Largan Precision Co cũng của Đài Loan sản xuất ống kính camera. Còn khâu lắp ráp tại các nhà máy Trung Quốc thuộc về hai công ty Hon Hai Precision và Pegatron.
Catcher đã thông báo đạt doanh thu kỷ lục hồi tháng 6. Largan cũng có doanh thu tháng đó cao thứ 2 trong lịch sử.
Arthur Liao, nhà phân tích công nghệ tại Fubon, công ty môi giới trụ sở tại Đài Loan, cho biết “Apple đang đóng góp ngày càng nhiều hơn cho kinh tế Đài Loan”.
Các đợt ra mắt iPhone trước đây đã thúc đẩy đáng kể hoạt động của chuỗi cung cấp thiết bị điện tử của châu Á. Chi phí cho mỗi chiếc iPhone 5S là 200 USD. Bộ phận đắt tiền nhất là màn hình và vỏ, có chi phí 40 USD mỗi bộ phận. Trong khi giá bán lẻ là 600 USD, nếu không có hợp đồng với nhà mạng.
Randy Abrams, nhà phân tích tại Credit Suisse, ước tính hoạt động sản xuất iPhone có thể mang lại cho các công ty Đài Loan khoản doanh thu 17,9-26,9 tỷ USD trong năm nay. Credit Suisse ước tính Apple sẽ trả cho các công ty Đài Loan khoảng 100-150 USD/iPhone về chi phí linh kiện và lắp ráp.
Tim Condon, nhà kinh tế học tại ING tại Singapore, tin rằng xuất khẩu của Đài Loan, vốn vẫn không có gì khởi sắc từ năm 2011, cuối cùng đã bùng nổ nhờ iPhone.
Xuất khẩu linh kiện điện tử của Nhật Bản tháng 5 tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tổng xuất khẩu giảm 2,7%.
Tom Kang, nhà phân tích tại Counterpoint Research ở Seoul, cho biết, các nhà cung cấp linh kiện Nhật Bản như Japan Display và Sony sẽ được hưởng lợi lớn nhất trong chuỗi cung cấp Apple. Hôm 24/7, Sony cho biết sẽ chi 345 triệu USD để tăng công suất sản xuất cảm biến camera. Việc này được dự đoán là để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Apple.
Quý II năm ngoái, ngay trước khi iPhone 5S ra mắt, Japan Display công bố lợi nhuận tăng gấp 4 so với năm trước đó. Lợi nhuận tháng 9 năm ngoái (tháng ra mắt iPhone 5C) của Pegatron cũng gấp đôi.
Dù vậy, không phải công ty nào cũng được hưởng lợi từ Apple. Samsung từ trước đến nay vẫn là nhà cung cấp bộ vi xử lý duy nhất cho iPhone. Tuy nhiên, Apple đang đa dạng hóa hãng sản xuất bộ phận này, một phần do tranh chấp pháp lý gần đây giữa hai đại gia công nghệ.
Nguồn Theo DVO/WSJ